Theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng niêm yết, tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) bình quân hiện vào khoảng 32%, tăng 1,9 điểm % so với cùng kỳ năm trước.
Top 10 ngân hàng có CIR thấp nhất
Trong quý I/2023, SHB là ngân hàng có CIR thấp nhất chỉ 19,5%, giảm 1,7 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, chi phí hoạt động của ngân hàng là gần 1.210 tỷ, tăng gần 215 tỷ (~21,6%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí nhân sự (tăng hơn 91 tỷ) và hoạt động quản lý công vụ (tăng hơn 73 tỷ) đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của chi phí. Tuy nhiên, thu nhập hoạt động lại tăng nhanh hơn (tăng 32,2%), nên cuối cùng CIR của SHB vẫn giảm.
Ông lớn VietinBank ở vị trí thứ 2 với CIR đạt 25,3%, giảm 1,81 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng gần 493 tỷ (~13%), chủ yếu do chi phí nhân sự (tăng gần 292 tỷ) và quản lý công vụ (tăng 135,4 tỷ) tăng lên. Trong khi đó, thu nhập hoạt động của ngân hàng lại tăng nhanh hơn (tăng 2.948 tỷ, gần 21%), do đó nhìn chung CIR của VietinBank vẫn giảm xuống.
VPBank ở vị trí thứ 3 với CIR ở mức 27,7%, tăng 11,32 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Việc tỷ lệ này tăng lên chủ yếu do thu nhập hoạt động giảm từ mức 18.270 tỷ xuống còn 12.359 tỷ (do không còn nguồn thu nhập đột biến từ hoạt động bancassurance như hồi quý I/2022) . Trong khi chi phí hoạt động lại tăng từ hơn 2.990 tỷ lên gần 3.423 tỷ (chủ yếu do chi phí nhân sự tăng lên).
BIDV theo sau với tỷ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động quý I/2023 là gần 28%, tăng 1,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Việc thu nhập hoạt động tăng (tăng 6,5%) chậm hơn chi phí hoạt động (tăng 11,8%) là nguyên nhân chủ đạo khiến cho CIR của BIDV bị nhích lên.
Với CIR ở mức 28,5%, tăng 1,54 điểm % so với cùng kỳ, Vietcombank ở vị trí thứ 5. Việc tỷ lệ này nhích lên chủ yếu do chi phí tăng nhanh hơn thu nhập hoạt động. Cụ thể, trong quý I/2023, chi phí hoạt động của ngân hàng đã tăng tăng 17% (hơn 765 tỷ) , chủ yếu do chi phí nhân sự (tăng hơn 483 tỷ), hoạt động quản lý công vụ (tăng gần 203,5 tỷ) và một số chi phí khác nhích lên. Trong khi thu nhập hoạt động chỉ tăng chậm hơn chỉ 10,7% (tăng 1.784 tỷ).
5 ngân hàng còn lại trong bảng xếp hạng CIR thấp nhất là MB (29,.9%); ACB (31,7%); VIB (31,8%); MSB (32,7%); Techcombank (33,8%).
Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CIR giảm nhanh nhất
Hạn chế và tiết giảm chi phí tiếp tục là xu hướng chung của toàn ngành. Theo đó, hiện có 18/28 ngân hàng khống chế CIR tăng dưới 2 điểm %. Trong đó, có 10 nhà băng ghi nhận tỷ lệ này giảm xuống.
Theo đó, với tỷ lệ CIR là 31,7%, giảm 8,3 điểm % so với cùng kỳ năm trước ACB là ngân hàng có tỷ lệ này giảm mạnh nhất trong quý I/2023. Đây là kết quả của việc cùng lúc tăng thu nhập và giảm chi phí hoạt động. Theo đó, trong quý I/2023, thu nhập hoạt động của ACB là hơn 7.920 tỷ, tăng 1.070 tỷ (~15,6%) so với quý I/2022, chủ yếu nhờ vào thu nhập lãi thuần tăng gần 775 tỷ. Mặt khác, chi phí hoạt động trong quý đầu năm của ngân hàng là gần 2.508 tỷ, giảm 231 tỷ (giảm ~8,4%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí cho nhân viên là yếu tố đóng góp mạnh nhất vào đà giảm (giảm gần 232 tỷ). Đây là một trong số ít các nhà băng ghi nhận chi phí hoạt động giảm trong quý I/2023.
Sacombank theo sau với CIR là 50,2%, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có được là nhờ trong kỳ, thu nhập hoạt động tăng nhanh hơn chi phí hoạt động. Cụ thể, thu nhập hoạt động đã tăng tăng từ 5.125 tỷ lên 6.800 tỷ, (tăng 32,7%) và chi phí tăng từ 2.831 tỷ lên 3.416 tỷ, (tăng 20,6%).
Trong quý I/2023, chi phí hoạt động của VIB đã tăng gần 108 tỷ, ứng với mức tăng 7,4%. Tuy nhiên, tổng thu nhập hoạt động lại tăng nhanh hơn tăng 793,5 tỷ, tăng 19,2%. Nhờ đó, tỷ lệ CIR của VIB đã được giảm từ 35% xuống còn 31,8%, giảm 3,5 điểm phần trăm và xếp ở vị trí thứ 4.
HDBank ở vị trí thứ 5 với CIR đạt 34,6% giảm 2,97 điểm %. Điều này có được chủ yếu nhờ thu nhập hoạt động tăng 10,4% (tăng gần 535 tỷ), trong khi chi phí hoạt động tăng nhẹ 1,7% (tăng 33 tỷ).
Các ngân hàng còn lại trong top 10 ngân hàng có tỷ lệ CIR giảm nhiều nhất là VietBank với CIR ở mức 60%, giảm 2,1 điểm phần trăm; VietinBank (CIR ở mức 25,35%, giảm 1,8 điểm phần trăm); SHB (CIR đạt 19,5%, giảm 1,7 điểm phần trăm) BacABank (CIR ở mức 52%, giảm 1,5 điểm phần trăm); MB (chi phí trên thu nhập hoạt động ở mức 29,9%, giảm 1 điểm phần trăm); NamABank (CIR ở mức 42,3%, giảm 0,7 điểm phần trăm).
Ngay từ đầu năm, chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023 đã nhấn mạnh việc tiết giảm chi phí hoạt động, qua đó thúc đẩy giảm lãi suất là một trong những mục tiêu quan trọng của toàn ngành trong năm 2023. Trên thực tế, các ngân hàng cũng đã tập trung hoàn thành mục tiêu này bằng cách khống chế hoặc tiết giảm các loại chi phí. Ngoài ra, một số nhà băng hiện lựa chọn chiến lược đầu tư vào số hóa để rút ngắn quy trình, giảm tối đa các chi phí phát sinh song vẫn đảm bảo tăng trưởng. Nhiều dự báo cho thấy, thời gian tới sẽ có nhiều thành tựu của việc số hóa được đưa vào ứng dụng. Do đó, trong tương lai gần các nhà băng sẽ hoạt động hiệu quả và ít hao phí hơn.