Đây là một trong những nội dung được Ngân hàng Nhà nước đưa ra để trả lời kiến nghị của các cử tri liên quan đề xuất hỗ trợ lãi suất cho vay bằng USD đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Cụ thể, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đôla hóa nền kinh tế, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, dần chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và tăng niềm tin của người dân vào đồng nội tệ.
Theo cơ quan này, việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay ngoại tệ có thể làm tăng nhu cầu ngoại tệ. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp có thể gây ra áp lực tới tỷ giá trong nước và mục tiêu chính sách tiền tệ, làm giảm hiệu lực các chính sách hạn chế tình trạng đôla hóa đang được triển khai hiện nay.
Cũng theo NHNN, trên thực tế, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ hiện thấp hơn so với lãi suất cho vay bằng Đồng Việt Nam. Do đó, khi vay vốn bằng ngoại tệ, doanh nghiệp đã được vay với mức lãi suất thấp hơn.
Vì vậy, việc hỗ trợ lãi suất tại Nghị định số 31/2022 chỉ áp dụng đối với khoản vay bằng VNĐ là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ về hạn chế tình trạng đôla hóa nền kinh tế trong thời gian qua.
Cũng tại đợt trả lời kiến nghị của cử tri lần này, NHNN đã có thông tin liên quan đề xuất xem xét, mở rộng ngành nghề được hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ.
Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết các đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ tại Nghị định 31/2022 được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với kiến nghị của cử tri, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tham mưu về đối tượng được hỗ trợ lãi suất để xem xét, đánh giá trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Liên quan tới chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, NHNN cho biết ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh thực hiện chính sách, như ban hành Thông tư hướng dẫn, Chỉ thị chỉ đạo và nhiều văn bản đôn đốc các ngân hàng thương mại, chi nhánh NHNN…
Thực tế cho thấy, chưa có chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất này. Tuy nhiên, NHNN cho biết kết quả hỗ trợ lãi suất hiện còn thấp, chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân.
NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31/2022 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.