Trong bối cảnh dòng vốn huy động đang khó khăn và lãi suất USD đang ở mức hấp dẫn, nhiều ngân hàng tư nhân “tranh thủ” gọi vốn ngoại ngày càng nhiều hơn.
Đơn cử như hồi tháng 6/2022, Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỉ USD từ nước ngoài. Đây là lần thứ ba ngân hàng này tiếp cận thị trường hợp vốn nước ngoài, sau khi hoàn tất huy động khoản vay đầu tiên trị giá 500 triệu USD vào năm 2020 và khoản vay thứ hai trị giá 800 triệu USD vào năm 2021.
Hay như hồi tháng 4/2022, VPBank được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD của các định chế tài chính lớn của châu Á. Trước đó, năm 2021 nhà băng này cũng liên tiếp hai lần huy động 300 triệu USD. Như vậy, trong vòng 1 năm qua, VPBank đã nhận được bốn khoản vay hợp vốn quốc tế cùng được tham gia thu xếp bởi ngân hàng SMBC của Nhật Bản.
Gần đây nhất ngày 11/11, VPBank công bố việc ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài lớn, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.
Tương tự, VIB hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng) từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Hay như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng huy động thành công vốn từ Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) với khoản vay trị giá 200 triệu USD…
Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng cao, thì việc huy động nguồn vốn nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng bổ sung nguồn vốn kinh doanh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng.
Theo đại diện các ngân hàng, thách thức của việc gọi vốn trên thị trường quốc tế là sự thẩm định kỹ lưỡng của các tổ chức cho vay, nhưng quy mô tiềm năng, mức tăng trưởng cao của thị trường cùng chiến lược và phân khúc riêng của mỗi nhà băng là yếu tố để thu hút dòng vốn ngoại chảy vào. Nguồn vốn từ khoản vay mới này sẽ được bổ sung vào cơ cấu vốn của ngân hàng, được sử dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường.
Bởi hiện tại, đặc thù tiền gửi tiết kiệm của người dân trong nước là ngắn hạn, trong khi cho các doanh nghiệp vay là trung và dài hạn.
Mới đây, khi Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thông báo về khoản hỗ trợ trị giá 500 triệu USD cho VPBank, cho thấy khoản vay này thúc đẩy chương trình tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Bởi những đối tượng khách hàng này thường ít tiếp cận được với khoản vay từ ngân hàng.
Nói về kế hoạch huy động vốn tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của VIB, lãnh đạo nhà băng này chia sẻ, ngân hàng này tiếp tục định hướng tăng cường huy động vốn từ thị trường quốc tế, vì có ưu điểm là chi phí huy động thấp hơn tương đối so với việc huy động từ thị trường trong nước, giúp ngân hàng có nguồn vốn kinh doanh tốt hơn.
Lo ngại dẫn đến nguy cơ không đảm bảo chỉ tiêu tổng hạn mức rút vốn ròng trung, dài hạn và mức tăng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài được phê duyệt hàng năm.
NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh nhằm mục đích quản lý điều kiện vay nước ngoài, tập trung vào hỗ trợ các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế vay nước ngoài cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bài học từ việc tăng trưởng “nóng” từ thị trường chứng khoán và kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn vì có thể tạo ra “bong bóng” tài sản, bất ổn kinh tế vĩ mô, do đó, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho rằng, dòng vốn vay nước ngoài ngắn hạn cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa để hạn chế các nguy cơ đảo chiều.
“Cần hạn chế việc doanh nghiệp vay nước ngoài ngắn hạn cho các mục đích tiềm ẩn rủi ro bong bóng giá như chứng khoán, bất động sản”, ông Đào Minh Tú nói.
NHNN cũng dự kiến không cho phép sử dụng vốn vay ngắn hạn để nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và mua cổ phần, mua phần vốn góp do việc thực hiện dự án hoặc mua cổ phần, mua vốn góp tại doanh nghiệp nhằm thâu tóm doanh nghiệp, mua bán sáp nhập để quản lý, phát triển doanh nghiệp về lâu dài là hoạt động mang tính dài hạn.
Bởi lẽ, nếu vay vốn nước ngoài ngắn hạn để thanh toán cho khoản nợ phát sinh từ các mục đích sử dụng vốn trung dài hạn sẽ tạo ra rủi ro thanh khoản và đi ngược lại bản chất của dòng vốn ngắn hạn chỉ nhằm hỗ trợ thiếu hụt thanh khoản tạm thời.