Cuối tuần qua, “ông lớn” Agribank đã thông báo mạnh tay cắt giảm 20% lãi suất các khoản vay trong tháng 12 này. Theo chia sẻ của lãnh đạo Agribank, ước tính trong năm 2022, ngân hàng tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng.
Trước đó, một “ông lớn” khác là Vietcombank đã công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 1%/năm đối với các khoản vay bằng VND cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu, với thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12. Phó Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường cho biết, tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175 ngàn khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank. Đây là đợt giảm lãi suất với quy mô dư nợ lớn nhất của Vietcombank trong các năm qua. Đại diện các nhà băng này cho biết, đây là hành động thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của NHNN, nỗ lực vì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Không chỉ các ngân hàng có vốn nhà nước, các NHTMCP cũng đã nhập cuộc. Cụ thể, HDBank đã ra thông báo giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất 120 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 1/11 đến 31/12/2022. Theo ước tính của HDBank, sẽ có hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng. Ngoài ra, khách hàng cũng sẽ được miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí cam kết rút vốn, phí trả nợ trước hạn…
Và mới sáng nay ngày 5/12, ACB nhập cuộc khi thông báo giảm lãi suất 1%/năm cho hàng loạt các khoản vay của khách hàng hiện hữu và khách hàng nhận giải ngân mới, áp dụng từ ngày 06/12/2022 đến hết tháng 01/2023.
Động thái giảm lãi suất cho vay này cũng phần nào giải toả phần nào lo ngại mặt bằng lãi suất cho vay tăng và cho thấy nỗ lực rất lớn của các ngân hàng. Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định như hiện tại cũng đã rất gian nan. Bởi lẽ, lãi suất huy động có chiều hướng tăng cao trong 2 tháng gần đây, đồng nghĩa chi phí đầu vào của ngân hàng tăng theo. Vì thế, việc có thể giảm lãi suất cho vay cho thấy các nhà băng rất nỗ lực chia sẻ với doanh nghiệp. Nhất là đang trong mùa cao điểm sản xuất cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh cho năm mới thì điều này lại càng trở nên quý giá đối với doanh nghiệp.
Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất do cung – cầu quyết định và không thể cào bằng. Việc tăng hay giảm lãi suất tuỳ vào chi phí đầu vào cũng như năng lực tài chính của các ngân hàng để đưa ra mức lãi suất cho khách hàng cũng như tuỳ đối tượng khách hàng. Thực tế là ngân hàng nào cũng muốn hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả vì họ xác định doanh nghiệp khoẻ, ngân hàng mới mạnh. Vì vậy, trong thời gian qua các ngân hàng đang nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì được mặt bằng lãi suất hợp lý cho khách hàng.
Lãnh đạo một ngân hàng cũng chia sẻ, mặc dù sức ép bủa vây từ chi phí đầu vào, nợ xấu, áp lực dự phòng, nhưng ngân hàng cố gắng bằng nhiều giải pháp giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định như thúc đẩy chuyển đổi số giảm chi phí vận hành, tăng tỷ lệ CASA giảm chi phí huy động vốn...
Tương tự, đại diện MB cho biết, nhờ chuyển đổi số mạnh đã giúp cho chi phí vận hành ngân hàng giảm đáng kể từ đó tiết kiệm chi phí cho các hoạt động khác. Cũng nhờ chuyển đổi số, MB huy động dòng tiền CASA rất tích cực từ lượng khách hàng mới giảm chi phí huy động chung của ngân hàng. Từ đó tạo điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Chỉ riêng trong năm 2022, dự kiến ngân hàng phát triển thêm 19 triệu khách hàng nâng tổng số khách hàng của MB lên 20 triệu khách hàng.
Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp HDBank chia sẻ, lãi suất đầu vào không thấp hơn, thậm chí là đang cao hơn. Để giảm lãi suất cho vay không có gì khác hơn là ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần thu nhập lãi của mình, làm cho khách hàng có động lực, nguồn lực để kinh doanh tốt hơn. Như vậy sau này ngân hàng sẽ có cơ hội làm việc với khách hàng tốt hơn trong tương lai.
Ghi nhận những tín hiệu tích cực của thị trường nhưng giới chuyên môn cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay khó có thể tạo nên làn sóng mà chỉ diễn ra ở những ngân hàng có nền tảng tài chính tốt, trong thời gian ngắn và đối tượng cũng chọn lọc. Bởi hiện tại lãi suất huy động vẫn có xu hướng tăng, tạo sức ép chi phí vốn lớn đối với ngân hàng. Nên chỉ ngân hàng nào có lợi thế vốn rẻ mới có dư địa giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp. “Dù rất kỳ vọng vào việc nhiều ngân hàng sẽ tiếp nối hành động giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận điều này rất khó xảy ra khi mà lãi suất huy động vẫn đang trong xu hướng tăng. Bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp họ cũng đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra của năm. Nên không thể để NIM ở mức quá hẹp được”, vị này nhìn nhận.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành tạo mặt bằng lãi suất mới cao khiến cho lãi suất cho vay khó giảm được. Tuy nhiên, theo quan điểm của Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia TS. Nguyễn Thị Mùi khi lãi suất của nhiều quốc gia trên thế giới tăng, và lãi suất điều hành của Việt Nam tăng thì không thể nào dùng biện pháp hành chính giữ lãi suất cho vay thấp được. Vì vậy, lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng cũng phù hợp với quy luật chung. “Tất nhiên, nhìn tổng thể nền kinh tế khi lãi suất tăng rõ ràng ảnh hưởng đến khách hàng vay vốn, nhưng cũng không có cách nào khác vì thị trường hiện nay đang phải thực hiện các biện pháp cả vĩ mô lẫn vi mô làm sao vừa kiểm soát lạm phát trong giới hạn cho phép, vừa ổn định tỷ giá. Nhất là giữ ổn định, đảm bảo hệ thống TCTD an toàn là vấn đề quan trọng nhất. Do đó, lãi suất cho vay có điều chỉnh tăng lên ở mức độ nhất định tuỳ theo từng ngân hàng là bình thường”, TS. Mùi chia sẻ thêm.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.