Tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng do Sở Công thương TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tổ chức ngày 28/2, đại diện một doanh nghiệp cho rằng dù đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về chuyển đổi số, công nghệ xanh, phát triển bền vững, và thuộc diện được ưu tiên cho vay và tiếp cận tín dụng với lãi suất thấp, song doanh nghiệp lại không thể tiếp cận vốn từ các quỹ hỗ trợ của quốc gia do những hạn chế từ phía ngân hàng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác không thuộc diện ưu tiên lại được tiếp cận tín dụng trước.
Cụ thể, vị này cho rằng theo quy định, nguồn vốn ưu đãi phải được giải ngân qua một ngân hàng được chỉ định. Mặc dù là tiền của quỹ hỗ trợ, song khi doanh nghiệp đến để nhận được tiền cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, quy trình, thủ tục của ngân hàng lại rất phức tạp và mất thời gian. Điều đó dẫn đến nhiều năm nay, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ưu đãi. Ngoài ra, một số cán bộ nhân viên ngân hàng còn có những hành vi tiêu cực như trì hoãn hồ sơ, yêu cầu chi phí “bôi trơn” để được giải ngân.
Giải đáp vấn đề này, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, chính phủ đã có nhiều văn bản khuyến khích đầu tư vào kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ngành ngân hàng cũng có các chính sách thúc đẩy hỗ trợ các lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 5 lĩnh vực gồm nông nghiệp nông thôn, SME, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, được hưởng ưu tiên và ưu đãi theo chính sách của ngành ngân hàng.
“Khi đáp ứng đủ điều kiện, cán bộ ngân hàng thương mại nào từ chối cho vay với những lý do không chính đáng bản thân ngân hàng thương mại phải xử lý. NHNN chi nhánh TP.HCM cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng tiếp lời, mặc dù không được chỉ định tham gia hỗ trợ cấp tín dụng cho lĩnh vực công nghệ, song ngân hàng đã triển khai cho vay các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ từ rất lâu.
Ngân hàng cũng sẵn sàng thuê chuyên gia để thẩm định khi doanh nghiệp có các dự án liên quan đến các công nghệ rất mới như điện tái tạo, Big Data, AI, Machine Learning… Ngoài ra, nhà băng cũng tìm cách hỗ trợ vay tín chấp, trong trường hợp doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm.
“Đây là một lĩnh vực kinh doanh rủi ro cao. Không phải công nghệ nào cũng đúng, phải mất thời gian mới chứng minh được hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã mạnh dạn triển khai cho vay. Đáng chú ý là có đến 90% dự án là vay tín chấp”, ông Tùng chia sẻ.
Ông nói thêm, chỉ cần doanh nghiệp chứng minh được việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có sản phẩm, bán được hàng là ngân hàng sẽ hỗ trợ.