Theo đó hiện lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn giữ vững ổn định như các tháng đầu năm nay. Đơn cử, VietinBank đang cho vay với lãi suất từ 8,3 - 8,8%/năm cho hai lựa chọn ưu đãi lãi suất 6 tháng đầu và 24 tháng đầu. Bên cạnh đó, Vietcombank đang áp dụng lãi suất cho vay đối với cá nhân mua nhà ở thông thường 8,2%/năm.
BIDV lãi suất mềm hơn là 7,5% cho 12 tháng đầu sau đó lãi suất thả nổi theo thị trường. Cũng tại BIDV nếu khách hàng mua căn hộ của dự án do ngân hàng liên kết với chủ đầu tư, lãi suất cho vay 10%/năm, chủ đầu tư hỗ trợ miễn lãi trong thời gian đầu thì số lãi thực trả vẫn dưới 10%.
Trong khi đó lãi suất cho vay mua nhà của các NHTMCP có cao hơn, nhưng thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn, thời gian dài và chính sách cũng linh hoạt hơn. Chẳng hạn, lãi suất cho vay mua nhà của MSB là 9,34%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian cho vay vốn 20 năm và hạn mức cấp tín dụng từ 70-80% giá trị tài sản đảm bảo. Techcombank cũng công bố lãi suất cho vay mua nhà ở đối với cá nhân ở mức 8,29%/năm đối với ưu đãi 6 tháng đầu và 8,89%/năm đối với ưu đãi 24 tháng đầu sau ngày giải ngân…
Nhìn chung các NHTM đều có chính sách ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay mua nhà trong ít nhất 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng… sau đó các ngân hàng lấy lãi suất tiết kiệm 12, 24 tháng cộng thêm biên độ từ 2,5-3,5% để tính lãi suất cho vay thời kỳ tiếp theo. Chẳng hạn Vietcombank công bố lấy lãi suất tiết kiệm 24 tháng cộng thêm 3,5% để ra lãi suất cho vay sau thời gian ưu đãi, nhưng không thấp hơn lãi suất sàn của ngân hàng này công bố.
Trong khi một số ngân hàng như BIDV, TPBank, Sacombank… thường điều chỉnh lãi suất cho vay đối với những khoản dư nợ cho vay mua nhà ít nhất hai lần một năm.
Ngoài ra, các NHTM cũng có những sản phẩm lãi suất cho vay mua nhà ở thấp, thậm chí chỉ bằng lãi suất huy động. Đây là những sản phẩm bất động sản do ngân hàng liên kết với chủ đầu tư dự án. Từ đó, các NHTM nhắm đến khách hàng trẻ, có việc làm nhưng còn thiếu nhà ở thiết kế ra các sản phẩm cho vay bất động sản nhà ở, bên cạnh đó ngân hàng liên kết với các chủ đầu tư những dự án có pháp lý đầy đủ xây dựng sản phẩm tín dụng.
Trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng, một lãnh đạo ngân hàng cho biết, thông thường ngân hàng giải quyết hồ sơ vay vốn mua nhà sẽ ưu tiên hồ sơ mua nhà ở dự án chủ đầu tư liên kết với ngân hàng, để tạo tính linh hoạt cho sản phẩm, giải quyết hồ sơ liên thông nhanh hơn.
Thực tế, mỗi chủ đầu tư sẽ liên kết với một ngân hàng để thuận tiện cho đầu ra sản phẩm căn hộ, dễ dàng tạo điều kiện cho người mua vay vốn ngân hàng đó. Còn đối với các dự án căn hộ không có sổ hồng, khi khách hàng muốn vay vốn ở ngân hàng không liên kết với chủ đầu tư dự án thì phải dùng một tài sản đảm bảo khác mới được vay.
Lãnh đạo một NHTM "tiết lộ": Đối với các loại nhà phố hiện hữu trong khu dân cư, ngân hàng thường ngại cho vay do sợ quy hoạch treo, ngõ hẻm nhỏ, diện tích nhà nhỏ nhưng giá trị lại cao. Nếu muốn vay khách hàng và ngân hàng sẽ phải cùng hoàn thiện nhiều thủ tục, giấy tờ hơn như người vay vốn phải có thu nhập ổn định, chứng minh bằng nhiều nguồn thu nhập khác nhau.
Tuy nhiên, cũng là nhà phố nhưng nằm trong các khu dự án có tính thanh khoản cao như các khu đô thị HimLam, VinHomes, Sala, Phú Mỹ Hưng… ngân hàng sẵn sàng duyệt hồ sơ cho vay rất nhanh. Như vậy, có thể thấy người mua nhà có thu nhập ổn định, sản phẩm bất động sản có giấy phép và nằm trong khu dân cư có tính thanh khoản cao sẽ được các ngân hàng săn đón.
Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm 19,16% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó dư nợ tín dụng đầu tư bất động sản chiếm khoảng 785 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, phần dư nợ còn lại khoảng 1,5 triệu tỷ đồng thuộc về các khoản dư nợ cho vay khuyến khích trong lĩnh vực này.