Dư địa còn lớn
Theo Tradingeconomics, hiện dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam mới đạt khoảng 30% - con số này thấp hơn nhiều so với Malaysia (73%), Thái Lan (78%), Trung Quốc (61%), Singapore (54%). Tỷ lệ thâm nhập của sản phẩm cho khách hàng cá nhân ở Việt Nam như cho vay mua nhà, thẻ tín dụng hoặc bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng hiện cũng chưa cao, chỉ chiếm khoảng 4% dân số, trong khi tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh.
Điều đó cho thấy, dư địa cho phát triển bán lẻ tại Việt Nam còn rất lớn. Bộ Công thương cũng nhận định, doanh thu bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng thực ở mức 9 - 9,5% trong giai đoạn 2022 - 2025, thương mại điện tử cũng hứa hẹn bùng nổ trong trung hạn. Với sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế sau giai đoạn khó khăn của đại dịch, các ngân hàng đẩy mạnh doanh thu từ bán lẻ như trụ cột để tăng biên lãi ròng (NIM).
Ngay trong quý I/2022, quan sát tình hình kinh doanh của các ngân hàng cũng dễ nhận thấy, mảng bán lẻ tiếp tục là động lực tăng trưởng. Như tại BIDV, ngân hàng này ghi nhận danh mục cho vay bán lẻ mở rộng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của BIDV là 4,6%, trong đó cho vay khách hàng cá nhân, SME tăng trưởng lần lượt là 8,2% và 5,4%. Đối với cho vay khách hàng cá nhân, cho vay hộ kinh doanh (9,5%) và cho vay mua nhà (8,6%) là động lực tăng trưởng chính. Cho vay khách hàng cá nhân tăng mạnh lên mức 41,1% tổng dư nợ cho vay (so với 39,9% tại thời điểm cuối năm 2021). Trong quý I/2022, việc mở rộng cho vay bán lẻ giúp lợi suất tài sản tăng 21 điểm cơ bản so với quý trước lên 6,03%. Trong khi đó, CASA cải thiện tăng lên 20,3% giúp ngân hàng này giữ lãi suất huy động trung bình ở mức thấp 3,58%.
Ở Vietcombank, việc miễn phí chuyển tiền từ năm 2022 đã giúp cho ngân hàng này có lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng thêm 27 nghìn tỷ đồng (tăng 7,4% so với đầu năm), phần lớn tới từ khách hàng bán lẻ. Tỷ lệ CASA giữa khách hàng cá nhân, khách hàng SME và các doanh nghiệp lớn là 40%/60%. Trong số ba NHTM nhà nước áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản trong năm 2022, Vietcombank thu hút được nhiều tiền gửi không kỳ hạn nhất. BIDV và VietinBank có tổng tiền gửi không kỳ hạn tăng lên lần lượt là 5 nghìn tỷ đồng và 10 nghìn tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý I/2022, tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi đạt 33% (so với cuối năm 2021 là 32% và mục tiêu của ngân hàng cho năm 2022 là 35%). Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, tỷ lệ CASA của Vietcombank đang cải thiện đúng kỳ vọng và mục tiêu mà ngân hàng đặt ra về tỷ trọng 35% tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi có thể đạt được.
Công nghệ số là chìa khoá
TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, tăng trưởng bán lẻ giúp ngân hàng phân tán rủi ro tốt hơn, khi khẩu vị rủi ro về tín dụng cũng như đầu tư của các TCTD đã thay đổi theo hướng thận trọng hơn sau đại dịch Covid-19. Tâm lý, hành vi của khách hàng, nhu cầu tiêu dùng, đầu tư… cũng thay đổi đòi hỏi các TCTD sẽ phải có sự thích ứng cho phù hợp.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, nhiều ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng bán lẻ cao. Các ngân hàng đã và đang tăng cường nhiều giải pháp, chương trình để có thể thúc đẩy tăng tốc bán lẻ nhanh và hiệu quả hơn. Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, với nền tảng tập trung bán lẻ, ngân hàng này đặt mục tiêu tới năm 2026 sẽ tăng trưởng lượng khách hàng lên gấp ba lần, trong đó khách hàng trẻ sẽ chiếm 85% danh mục. MB cũng khẩn trương đưa vào triển khai hệ thống ngân hàng tự động thông minh SmartBank với kỳ vọng mở rộng thêm tệp khách hàng của mình.
Thực tế, không chỉ các NHTMCP có xu hướng thiên về bán lẻ, mà ngay ở khối NHTM nhà nước thì đây cũng là chiến lược để gia tăng cạnh tranh. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo của Agribank cho hay, tận dụng lợi thế mạng lưới rộng khắp của mình, cùng với đẩy mạnh triển khai ngân hàng số, Agribank có sự kết hợp hoàn hảo để tăng trưởng bán lẻ thông qua triển khai gói sản phẩm kết hợp nhiều ưu đãi qua các kênh số. Đơn cử như dịch vụ thẻ của Agribank có sự tăng trưởng khá mạnh.
Ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ, ngân hàng này kết hợp phát hành thẻ với cấp hạn mức thấu chi qua thẻ không có bảo đảm bằng tài sản với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, giúp người dân dễ dàng tiếp cận khoản vay nhằm đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như thanh toán điện, nước, điện thoại, chuyển học phí cũng như phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, đặc biệt là nhu cầu thanh toán đầu vào vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc trừ sâu...) với hạn mức thấu chi lên đến 30 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng…
Giải pháp thúc đẩy bán lẻ của các ngân hàng ngày càng đa dạng, song giới chuyên môn nhận định, công nghệ số là chìa khoá giúp định vị ngân hàng trong thị phần bán lẻ. Đây là lý do mà nhiều năm qua, TPBank theo đuổi chiến lược số hoá toàn diện ngân hàng, mọi việc đều xuất phát từ “tư duy số”. Tổng Giám đốc TPBank ông Nguyễn Hưng cho hay, lượng khách hàng của ngân hàng đã lên mức 5 triệu, trong đó 2,4 triệu khách hàng giao dịch thường xuyên qua các kênh số vào năm 2021, trong khi ở thời điểm năm 2017 con số này mới chỉ là hơn 1,7 triệu khách hàng. Chính nhờ những kết quả “nhìn thấy” được, thời gian tới TPBank sẽ tiếp tục triển khai và đẩy mạnh tích hợp các sản phẩm dịch vụ hoàn toàn trên nền tảng số, phục vụ tốt nhất nhu cầu khách hàng mọi nơi, mọi lúc.
Phó Tổng Giám đốc SHB ông Đỗ Quang Vinh cũng chia sẻ, SHB đặt mục tiêu tầm nhìn tới năm 2035 trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại trong Top đầu của khu vực, bởi thế chuyển đổi số là một trong các trụ cột chiến lược. “SHB hiện chú trọng triển khai xây dựng văn hoá doanh nghiệp số, đầu tư hệ thống CNTT, nghiên cứu ứng dụng đồng bộ công nghệ số. Mới đây, SHB đã đặc biệt đưa robot thông minh vào cung cấp dịch vụ và trong thời gian tới sẽ mở rộng số lượng điểm giao dịch sử dụng robot hỗ trợ khách hàng, triển khai không gian giao dịch số trên toàn hệ thống. Đồng thời ký hợp đồng với Công ty Temenos để xây dựng nền tảng hợp kênh của ngân hàng”, ông Vinh cho hay.