Nội dung chính
- Quy mô bán lẻ tăng mạnh mẽ sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
- Ngành bán lẻ đang phục hồi, dần trở lại trạng thái bình thường
- Lạm phát vẫn là nguy cơ lớn với nền kinh tế
Từ tháng 11/2022, Tổng Cục thống kê (GSO) bổ sung chỉ số mới để đo lường tình hình bán lẻ: Quy mô bán lẻ thực tế so với quy mô bán lẻ trong kịch bản không xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Tháng 11, báo cáo của GSO cho biết: “quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay”.
Báo cáo năm 2022 của cơ quan này cho biết tỷ lệ này giữ nguyên mức 82,5%. Tuy nhiên, đến tháng 1/2023, tỷ lệ này đã tăng lên mức 88,1%.
Như vậy, dù chưa thể phục hồi trọn vẹn so với kịch bản không có dịch bệnh, ngành bán lẻ đã được vực dậy đáng kể.
Quy mô bán lẻ riêng tháng 1/2023 đã tăng 5,2% so với tháng 12/2022 và tăng 20% so với cùng kỳ 2022. Ngay cả khi loại bỏ yếu tố lạm phát, quy mô bán lẻ tháng 1/2023 cũng đạt mức tăng trưởng hai chữ số (15,8%) so với cùng kỳ.
Bán lẻ là một trong những ngành kinh tế năng động nhất của nước ta với tốc độ tăng trưởng duy trì hai chữ số hàng thập kỷ - trừ hai năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Vincom Retail, doanh nghiệp quản lý chuỗi hơn 80 trung tâm thương mại trên khắp cả nước cũng vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 với doanh thu tăng trưởng 24%, lợi nhuận gấp đôi năm 2021.
Thế Giới Di Động, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu hiện nay, sở hữu chuỗi siêu thị điện thoại Thế Giới Di Động, điện máy Bách Hóa Xanh, nhà thuốc An Khang… cũng ghi nhận doanh thu 2022 đạt hơn 134.700 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2021.
Tương tự, FPT Retail, doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị điện máy FPT Shop, nhà thuốc Long Châu… ghi nhận doanh thu 2022 đạt gần 30.300 tỷ đồng, tăng 33,8% so với năm 2021.
Lạm phát vẫn là nguy cơ lớn với nền kinh tế
Tỷ lệ lạm phát cao đang có xu hướng lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, số liệu của GSO tháng 1/2023 cho thấy Lạm phát cơ bản tháng 01/2023 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức CPI bình quân chung. Lạm phát cơ bản là chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi mức giá chung mang tính chất dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi mang tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của chỉ số giá tiêu dùng.
2023 cũng là năm đầu tiên Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa hoàn toàn sau ba năm dịch bệnh. Bloomberg ước tính việc mở cửa của Trung Quốc có thể khiến giá năng lượng tăng khoảng 20%. Giá năng lượng tăng sẽ thúc đẩy lạm phát do chi phí đẩy.
Chính phủ các nước, đặc biệt là Mỹ vẫn tiếp tục phát tín hiệu ưu tiên kiểm soát lạm phát, thậm chí sẵn sàng đánh đổi mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục duy trì mức lãi suất cao trong năm nay, thậm chí tiếp tục tăng - theo các thông điệp phát đi gần đây của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.
Động thái này của Fed khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam càng trở nên khó khăn. Mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại dù được công bố chỉ xung quanh mức 9,5%, nhưng trên thực tế mức lãi suất các nhà băng sẵn sàng chi trả để thu hút tiền gửi đã lên gần 13%. Dù tăng lãi suất là một trong những giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, trong ngắn hạn, lãi suất huy động tăng khiến lãi suất cho vay tăng tương ứng, gây sức ép lên giá cả hàng hóa nói chung.
Trên Trang tin Chính phủ, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần “tiếp tục cảnh giác với lạm phát vào năm 2023 và các đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể vẫn nên thực thi nếu lạm phát tăng”.