Trước đó, ngành điều đã đề nghị hạ mục tiêu xuất khẩu cả năm nay xuống 3,2 tỷ USD thay vì 3,8 tỷ USD như đặt ra ban đầu do thị trường khó khăn. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã phải đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ cập nhật, hướng dẫn thực hiện quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ…
Xuất khẩu nhân điều tăng 40% trong tháng 11
Trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu điều bất ngờ tăng rất mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhân điều chế biến của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 80 nghìn tấn, trị giá 458 triệu USD; tăng 80,6% về lượng và tăng 72,4% về trị giá so với tháng 10/2022; so với tháng 11/2021 tăng 58,1% về lượng và tăng 39,1% về trị giá.
Tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.724 USD/tấn, giảm 4,5% so với tháng 10/2022 và giảm 12% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.948 USD/tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của nước này tháng 10/2022 đạt xấp xỉ 27,7 triệu USD, tăng 18,7% so với tháng 10/2021. Lũy kế 10 tháng năm 2022, nhập khẩu hạt điều của Trung Quốc tăng 61,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 241,44 triệu USD. Các nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Trung Quốc gồm: Việt Nam, Togo, Myanmar và Bờ Biển Ngà.
"Tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2022, các doanh nghiệp ngành điều đã nhập 1.679.067 tấn điều thô nguyên liệu từ nước ngoài với giá trị 2,4 tỷ USD. Những thị trường nhập khẩu chính là: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Ghana, Nigeria… "
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Trong đó, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 89,06% trong 10 tháng năm 2021 xuống 88,78% trong 10 tháng năm 2022.
Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Myanmar trong 10 tháng năm 2022, mức tăng lên tới 10.158,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Myanmar trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 0,06% trong 10 tháng năm 2021 lên 3,83% thị phần trong 10 tháng năm 2022.
Tuy vậy, nhìn vào số lượng xuất khẩu thì có thể thấy hạt điều Việt Nam đang chiếm vị trí độc tôn ở thị trường Trung Quốc. Cụ thể, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 đạt 214 triệu USD, trong khi con số này của Myanmar là hơn 9,2 triệu USD, Bờ Biển Ngà là 6,9 triệu USD.
Không chỉ tại Trung Quốc, Việt Nam còn là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Pháp, với lượng đạt gần 7 nghìn tấn, trị giá 49 triệu EUR. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp giảm từ 49,14% trong năm 2021 xuống còn 44,46% trong 11 tháng năm 2022.
Theo dõi số liệu thống kê có thể thấy, Pháp có xu hướng mở rộng nguồn cung hạt điều sang các nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Gana. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn giữ vị trí là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Pháp.
Nghịch lý nhập khẩu hạt điều nguyên liệu
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số một thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu. Do nguồn nguyên liệu trong nước còn hạn chế, nên phần lớn các doanh nghiệp gia tăng việc nhập khẩu điều nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu điều năm 2021 ước đạt 3,63 tỷ USD, nhưng năm 2021 các doanh nghiệp nước ta đã nhập khẩu tới 2,83 triệu tấn điều thô, tiêu tốn 4,119 tỷ USD. Điều này đã khiến năm 2021 là năm đầu tiên ngành điều rơi vào tình thế thâm hụt thương mại, với nhập siêu khoảng 600 triệu USD. Dĩ nhiên, 2,83 triệu tấn điều thô nhập khẩu về đó đã không được sử dụng hết cho chế biến tiêu thụ vào năm ngoái, dẫn đến tồn kho tới 1,3 triệu tấn điều nguyên liệu để chuyển sang năm nay.
Năm 2022, tình trạng nhập khẩu điều nguyên liệu vẫn rất lớn, tiếp tục gây thừa cung. Các chuyên gia ước tính, với lượng nhập khẩu trong 11 tháng năm nay lên đến hơn 1,7 triệu tấn, cộng với tồn kho từ năm 2021 chuyển sang, thì hiện tại ngành điều đang tồn kho tới 1,1-1,2 triệu tấn hạt điều nguyên liệu.
"Nếu để tồn kho từ 4 tới 6 tháng thì chất lượng sản phẩm sẽ hạ thê thảm, và nó sẽ cực kỳ tệ nếu để sau 1 năm. Cho nên, có những công ty hàng bị tồn kho không bán được và họ phải phù phép đủ kiểu, và thà bán lỗ còn hơn không bán được, nên đã đưa sản phẩm “quá đát” giá rẻ ra thị trường”.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện các doanh nghiệp ngành điều đang gặp nhiều rủi ro trong nhập khẩu mặt hàng điều thô hiện nay. Chẳng hạn, theo phản ánh của một doanh nghiệp, khi nhập khẩu điều thô từ châu Phi để sản xuất, chỉ có 70% là đạt tiêu chuẩn chế biến, còn lại 30% không đạt tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu nhưng không thể chuyển nội địa.
Để giải quyết lượng điều kém chất lượng này, doanh nghiệp phải chạy tới chạy lui nhiều nơi để xin hướng dẫn. Hải quan yêu cầu tiêu hủy nhưng cơ quan thuế không cho vì cho rằng lượng hàng quá lớn. Trường hợp muốn bán nội địa phải có giấy an toàn thực phẩm, nhưng doanh nghiệp không thể có loại giấy này, do sản phẩm kém chất lượng.
Và do chưa tìm được đầu ra cho lượng hàng trên, nên doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí lưu container, lưu kho. Hơn nữa, hạt nhân thành phẩm nếu để vài tháng là ra cám, còn nếu bị cho là phế phẩm thì giá rất thấp, gây thiệt hại nhiều cho doanh nghiệp.
Tình trạng thừa nguyên liệu, khiến nhiều doanh nghiệp đã bán “lòng vòng” hạt điều ở thị trường trong nước, dẫn đến vi phạm pháp luật. Điển hình như trong trung tuần tháng 11/2022, Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố, bắt tạm giam ông Hoàng Văn Phi - Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Phượng Chi (tỉnh Bình Phước) về tội “Buôn lậu”.
Hành vi của ông Phi là từ ngày 26/6/2020 đến ngày 5/9/2020, đã sử dụng tư cách pháp nhân Công ty Phượng Phi mở 8 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Chơn Thành (Cục Hải quan Bình Phước) theo loại hình nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu để nhập khẩu hơn 1.000 tấn hạt điều khô nguyên vỏ có xuất xứ từ các nước châu Phi, với tổng giá trị hàng hóa là hơn 25,4 tỷ đồng.
Sau đó, từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2020, đã sản xuất chế biến 265 tấn hạt điều được 53 tấn điều nhân xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc. Số hạt điều còn lại hơn 834 tấn, trị giá hơn 19 tỷ đồng, ông Phi đã tự ý tiêu thụ bằng cách bán cho một số khách hàng trong và ngoài tỉnh Bình Phước mà không khai báo với cơ quan hải quan theo quy định. Hành vi này đã phạm vào tội “Buôn lậu”.
Vụ việc nêu trên cũng phần nào phản ánh “mảng tối” trong nhập khẩu mặt hàng điều thô của một bộ phận doanh nghiệp trong ngành điều lợi dụng kẽ hở pháp luật để buôn lậu. Theo đó, có những doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục nhập khẩu và thuế đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất xuất khẩu, một số doanh nghiệp sản xuất hạt điều đã tiến hành nhập khẩu nguyên liệu với kê khai dùng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, có trường hợp không đưa vào sản xuất hoặc chỉ đem một phần nguyên liệu vào sản xuất để tạo ra sản phẩm xuất khẩu, số nguyên liệu còn lại được đem bán vào thị trường nội địa mà không làm thủ tục hải quan, không chuyển mục đích sử dụng theo quy định, nhằm hưởng lợi từ sự chênh lệch về thuế và chính sách mặt hàng.
Chiêu thức chung của nhóm doanh nghiệp này là nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô, đưa vào chế biến và thực hiện xuất khẩu một số lô hàng với lượng nhỏ. Tiếp đó, doanh nghiệp nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu trong thời gian ngắn và bán ngay vào thị trường nội địa sau khi được thông quan, hưởng lợi từ việc trốn thuế và chuyển địa điểm cư trú, nhà máy sản xuất hoặc giải thể doanh nghiệp…
Ngoài chiêu thức nêu trên, còn có tình trạng hạt điều nhập khẩu theo loại hình kinh doanh từ ASEAN có thuế nhập khẩu 0%, trong khi nhập từ thị trường ngoài ASEAN có thuế 5%. Vì thế, có một số doanh nghiệp “mượn” đường Campuchia để trốn thuế nhập khẩu mặt hàng này.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, buôn lậu cho đến những rủi ro, chất lượng sản phẩm đang đòi hỏi khâu quản lý cần chặt chẽ, hợp lý hơn nữa.
Vinacas đã kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu điều và lưu thông điều trên thị trường nội địa, hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều để có cơ sở đánh giá chất lượng; đánh giá, quy hoạch ổn định lâu dài các vùng trồng điều.
Trong điều kiện khó gia tăng diện tích điều trong nước, cần có giải pháp hợp tác khai thác và phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.