Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết xuất khẩu điều năm 2022 vẫn tiếp tục gặp khó khăn, giá cước tàu biển neo ở mức cao, giá nhân xuất khẩu không tăng kịp so với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu…
Chính vì thế, số lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ giảm trong các tháng tiếp theo, kéo dài đến hết quý 4/2022.
Thách thức về tiêu chuẩn kỹ thuật
Chỉ ra nguyên nhân, Vinacas cho rằng, khi xảy ra chiến tranh, xung đột với Ukraine, Nga bị cấm vận về kinh tế trên trường quốc tế, đã bị loại hệ thống thanh toán SWIFT, gây rất nhiều khó khăn trong thanh toán của các doanh nghiệp xuất khẩu điều đi thị trường Nga và châu Âu.
Chính tại thời điểm bắt đầu “chiến dịch đặc biệt” của Nga, có nhiều container hàng hóa, bao gồm hạt điều đang trên tàu biển tới Nga, phần lớn là bị chuyển cảng hoặc nằm ở các cảng trung chuyển, như cảng Hamburg (Đức) hoặc Rotterdam (Hà Lan) mà không được cập được các cảng ở Nga, gây khó khăn về thời gian lưu công, lưu bãi.
Bên cạnh đó, các bộ chứng từ thanh toán hàng xuất khẩu cho Nga, khách Nga đối diện với nguy cơ không thể thanh toán được cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là vướng mắc lớn nhất cho các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Điều có xuất hàng đi Nga.
Không chỉ vậy, hiện ngành điều đang đứng trước những thách thức về tiêu chuẩn kỹ thuật mới của thị trường Trung Quốc, châu Âu, Mỹ.
Với thị trường Trung Quốc, ngoài thực hiện Lệnh 248 và 249, Trung Quốc không cho phép “sâu sống, sâu chết” trong sản phẩm nhân hạt điều (dung sai 0,00%).
Còn đối với thị trường châu Âu, theo phản ánh của hội viên Vinacas, hiện nay các khách hàng châu Âu thường xuyên kiểm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu) trong nhân điều. Nhiều lô đã bị từ chối nhận hàng do dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn tiêu chuẩn cho phép (mức giới hạn tối đa là 0.01 ppm) - trước đây rất ít khi Việt Nam bị vấn đề này.
Tại thị trường Hoa Kỳ, tiêu chuẩn AFI (các tiêu chuẩn chất lượng thương mại) hiện hành chưa quy định rõ ràng về loại hàng LBW (hạt điều nhân nám nhạt) và DW (hạt điều thứ phẩm) của Việt Nam xuất đi so với tiêu chuẩn AFI ban hành năm 2009. Nên khi công ty giám định chất lượng tiến hành kiểm hàng chưa giống với việc đánh giá các loại lỗi so với người mua nên xảy ra những hiểu lầm và khiếu nại không đáng có.
Cần các giải pháp quy chuẩn, thị trường, tín dụng
Trước các khó khăn trên cùng với lạm phát tăng cao ở một số nước nhập khẩu điều lớn, chi phí vận chuyển tăng… Vinacas khuyến nghị các Bộ ngành Trung ương và chính quyền các địa phương tạo các điều thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp ngành điều, đặc biệt về các chính sách thuế, hải quan.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp ngành điều trong thời gian sớm nhất.
Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo các hãng tàu bảo đảm cung cấp số lượng container rỗng cho các hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp Việt Nam, tránh lặp lại tình trạng thiếu container rỗng bất thường đã xảy ra trong năm 2021 làm cho các doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại nặng nề về nhiều mặt.
Ngoài ra,Vinacas đề nghị các đơn vị không sản sinh ra các loại phí mới bất hợp lý (như phí sử dụng hạ tầng cảng biển, phí cân bằng container,…) để gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, Hiệp hội để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều trong việc triển khai thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ.
Đồng thời cần đề xuất phía Trung Quốc cho phép tỷ lệ dung sai về sâu sống, sâu chết hiện diện trong sản phẩm hạt điều là 0,05%, tương tự như đối với một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của một số quốc gia khác. Đề nghị phía EU xem xét về giới hạn cho phép tối đa đối với dư lượng thuốc trừ sâu. Về phía Hoa Kỳ, xem xét về tiêu chuẩn AFI.
Vinacas đề nghị thành lập “Tổ công tác đặc biệt” hay “Đội phản ứng nhanh 24/24” tại các thị trường trọng điểm gồm có Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU để hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều trong quá trình mua bán, xuất khẩu điều.
Theo Hiệp hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều. Đồng thời tổ chức đánh giá, quy hoạch ổn định, lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích, đề nghị giải pháp hợp tác khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào.
Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều tham gia các chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trong và ngoài nước trong giai đoạn “bình thường mới” để đón đầu thị trường Trung Quốc khi họ chấm dứt chính sách “Zero Covid” và mở cửa trở lại.
Mặt khác, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại giao, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường thông tin về thị trường, khách hàng, xu hướng tiêu dùng và các rủi ro về thương mại tại các thị trường nước ngoài và hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều khi có những khó khăn không lường trước được có thể xảy ra.