Thị trường Game trên thế giới đang trên đà phát triển vô cùng mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm lớn với giá trị doanh thu toàn cầu đạt 184 tỷ USD vào năm ngoái. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm gần một nửa doanh thu toàn cầu và thu hút lượng lớn nguồn lực nhân sự trong ngành.
Điều đáng nói, game đang dần không còn là “sân chơi" của riêng nam giới. Trên thực tế, đã có rất nhiều phụ nữ thành đạt và nắm giữ vị trí then chốt tại các công ty phát triển và phát hành game.
Ngành game được biết đang chứng kiến sự tham gia của nhiều nhân lực nữ tại Việt Nam. Trước đây, tỷ lệ nữ chiếm phần lớn ở các vị trí Marketing và sáng tạo trong các game studio, tuy nhiên, tỷ lệ này cũng dần mở rộng sang các khối sản xuất như phát triển, thiết kế game hay kiểm soát chất lượng, thậm chí là dẫn dắt các đội ngũ này.
“Tôi tin rằng sự phát triển của ngành công nghiệp game trong vài năm qua sẽ mở ra những cơ hội hấp dẫn cho tất cả mọi người và đặc biệt là phụ nữ. Việc tạo ra một tựa game hay không hề phụ thuộc vào giới tính của bạn, chỉ cần bạn có đam mê. Hãy biến đam mê thành hành động và sẵn sàng làm mọi điều có thể vì tựa game của bạn, bạn sẽ thành công”, bà Lana Phùng, Co-founder & CMO Widogame, chia sẻ trong buổi trò chuyện mới đây.
Theo quan sát của bà Lana Phùng, các bạn nữ ngành mobile gaming rất năng động trong công việc: tích cực học hỏi và thể hiện bản thân. Bên cạnh đó, họ cũng là người rất tỉ mỉ.
“Tôi từng gặp một nữ Game Designer viết bản tài liệu dài 30 trang rất chi tiết để team lập trình có thể triển khai mà không cần hỏi lại. Tôi nghĩ sự công phu và tỉ mẫn của phụ nữ thực sự rất tốt cho ngành Game - lĩnh vực đòi hỏi mức độ chi tiết cao”, vị này nói thêm.
Mặt khác, như nhiều nhóm ngành STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học), ngành gaming đang chứng kiến sự vươn mình của nhiều nữ lãnh đạo trẻ. Mặc dù mang lại những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực nam giới từng thống trị, những bóng hồng ngành Game lại có cách nhìn nhận rất hiện đại về vai trò của chính họ trong ngành: phụ nữ không tạo ra sự khác biệt mà chỉ đang đóng góp vào sự đa dạng về mọi mặt.
Bà Lily Trương, Sales Manager tại Adjust, bổ sung: “Tôi tin rằng ở lĩnh vực nào phụ nữ cũng có cơ hội để cống hiến và khẳng định bản thân khi năng lực và chất lượng công việc được dùng là các tiêu chuẩn đánh giá hàng đầu. Tại Adjust, phụ nữ chiếm gần một nửa nhân viên và tôi thực sự tự hào khi được là một phần của văn hoá ghi nhận và bình đẳng này”.
Về thị trường, game đang là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh và dần được quan tâm song hành với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin. Báo cáo thị trường game toàn cầu 2020 của NewZoo từng đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn và tạo được đột phá ở lĩnh vực game trên thế giới.
Còn nhớ "hiện tượng" Flappy Bird năm 2014 gây chú ý. Và đến nay, Việt Nam theo báo cáo có tới 5 doanh nghiệp Việt trong danh sách công ty game đứng đầu Đông Nam Á - Thái Bình Dương về lượt tải game trên toàn cầu. Tức, cứ mỗi 25 game được tải trên thế giới thì một thuộc công ty Việt sản xuất.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có khoảng 200 công ty phát hành game và được xếp hạng 7 trong các quốc gia phát hành mobile game trên toàn cầu. Trong chia sẻ cuối năm qua, đại diện Bộ nhận định game là ngành có nhiều cơ hội tại Việt Nam. Khi, Việt Nam hiện có khoảng 28,2 triệu người chơi game và đánh giá đó là con số mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2021, doanh thu ngành game tại Việt Nam đạt 665 triệu USD.
Có thể nói, game là ngành công nghiệp không khói, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành công nghiệp game gặp rất nhiều biến động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến thị trường chung. Điều đáng lưu ý hiện này là ngành game tại Việt Nam đang rất "khát" nhân lực. Do một số nguyên nhân khách quan như định kiến xã hội về ngành game, số lượng nhân sự hoạt động trong mảng này hiện chưa nhiều.