Dẫn thông tin từ Tổng cục Hải quan, Hiệp hôi Gỗ và Lâm sản (Vifores) cho biết trong tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 22,8% so với tháng 3/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 823 triệu USD, tăng 47,7% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 30% so với tháng 3/2022.
Khó khăn "bủa vây"
Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải nguyên nhân xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ suy giảm mạnh, Vifores cho rằng do sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
“Đây là thực tế rất khó khăn đối với ngành gỗ. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023. Do các nhà nhập khẩu tồn kho còn nhiều, chỉ mặt hàng nào tồn kho xuống thấp khách đặt mới và doanh nghiệp mới có được đơn hàng”, Chủ tịch Vifores Đỗ Xuân Lập nêu thực tế.
"Thông thường đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời (outdoor) và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng".
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Thông tin thêm về cơ cấu thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Vifores cho hay đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ sang Hoa Kỳ giảm rất mạnh, do chỉ số nhu cầu nhà ở của Hoa Kỳ trong tháng 2/2023 đã giảm 48,1% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này giảm mạnh.
Đáng chú ý, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ trong năm 2023.
Trong khi đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với ngành gỗ, vì vậy xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh sẽ tác động trực tiếp tới kết quả xuất khẩu chung. Do đó, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ dự báo sẽ kém khả quan trong nửa đầu năm 2023.
Ngoài ra, quy định mới đối với gỗ nếu trồng trên đất phá rừng sau năm 2020 sẽ không được nhập khẩu vào EU theo một thỏa thuận mới đây, cũng sẽ là yếu tố cản trở đà tăng trưởng của ngành gỗ.
Thông tin về nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tháng 3/2023 đạt 220 triệu USD, tăng 46,3% so với tháng 2/2023; tuy nhiên so với tháng 3/2022 lại giảm 7,6%.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 491 triệu USD, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ước tính, nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong quý đầu năm đạt 973,6 nghìn m³, trị giá 350,9 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 24,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Với những khó khăn trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khi nhu cầu giảm, dự báo nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong thời gian tới vẫn giảm do nhu cầu yếu của các nhà máy chế biến, cùng với việc các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xu hướng sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước khi sản lượng khai thác tăng và để giảm chi phí đầu vào.
Nửa đầu năm 2023: Hy vọng hòa vốn
Hiệp hôi Gỗ và Lâm sản (Vifores) cho biết tại thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy.
"Để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều công ty đã chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa; đồng thời tìm những thị trƣờng ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi".
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Mục tiêu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 là hoà vốn, và hy vọng đến quý 3, quý 4 thị trường sẽ tốt lên, doanh nghiệp vẫn có sẵn lực lượng để sản xuất.
Trong nửa cuối năm 2023, kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tích cực hơn khi các nền kinh tế được cải thiện, du lịch tăng cao khiến nhu cầu thay thế các sản phẩm nội thất tại nhà hàng khách sạn gia tăng; hoạt động xây dựng khởi sắc, kéo nhu cầu về đồ nội thất tăng...
Thời gian này, các nhà máy sản xuất đồ gỗ cũng ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp cũng đa dạng hoá sản phẩm, vẫn lấy gỗ làm nguyên liệu chính nhưng gia tăng sự phối hợp với các loại vật liệu khác như kim loại, đá, kính, vải… để tăng tính thẩm mỹ và ứng dụng theo nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... nhằm bù đắp mức sụt giảm từ các thị trường chính.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng Tổ chức Forest Trends vừa phát hành Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 và xu hướng năm 2023”.
Theo Báo cáo này, năm 2022 mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giữa Nga – Ukraine, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đạt 15,67 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng 5,6% giá trị kim ngạch so với năm 2021.