Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng 12/2022, tương ứng giảm 9,77 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3%. Còn so với cùng kỳ năm 2022, trị giá xuất nhập khẩu tháng 1 giảm tới 25,01%, tương ứng giảm 15,53 tỷ USD. Dù vậy, trong tháng đầu tiên của năm 2023 cả nước ước xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu ngay trong tháng đầu năm giảm mạnh đã kéo giảm số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ đạt 24.852 tỷ đồng, bằng 5,8% so với dự toán và giảm sâu 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm đột ngột
Theo đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), trong tháng 1/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đột ngột giảm so với tháng 12/2022 và giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2022 do kỳ nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán đều diễn ra trong tháng đầu năm mới, dẫn đến số ngày làm việc ít hơn tháng 12/2022 và cùng kỳ năm 2022.
Cùng với đó, cuối năm 2022, Chính phủ ban hành 17 nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Các nghị định này nhằm thực hiện 17 hiệp định giai đoạn 2022-2027, thống nhất với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 quy định tại Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 8/6/2022 của Bộ Tài chính.
Như vậy, ngay trong năm 2023, nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao sẽ bị cắt giảm thuế và theo lộ trình dự kiến còn giảm sâu hơn trong các năm sau.
Đáng lưu ý, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sắp tới sẽ chịu nhiều tác động bất lợi. Bởi từ quý 4/2022, các đơn hàng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đều sụt giảm trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới phải vật lộn với lạm phát leo thang kỷ lục và nguy cơ suy thoái kinh tế ở nhiều nước, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh khi người dân các nước “thắt lưng buộc bụng”.
Trong khi đó, năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 của hải quan được Quốc hội, Chính phủ giao là 425.000 tỷ đồng, cao hơn 20% so với dự toán năm 2022 và chỉ thấp hơn 3% so với mức đỉnh năm ngoái. Dự toán được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6-6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8-9%, kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7-8%. Bối cảnh u ám này dự báo sẽ còn kéo dài đến hết quý 1/2023, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách nhà nước do ngành hải quan quản lý.
Trong khi đó, năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 của hải quan được Quốc hội, Chính phủ giao là 425.000 tỷ đồng, cao hơn 20% so với dự toán năm 2022 và chỉ thấp hơn 3% so với mức đỉnh năm ngoái. Bối cảnh u ám này dự báo sẽ còn kéo dài đến hết quý 1/2023, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách nhà nước do ngành hải quan quản lý.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 hồi phục mạnh mẽ và đạt kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ song điều khiến vị chuyên gia này băn khoăn là nếu nhìn cụ thể vào tình hình các tháng sẽ thấy từ quý 4 có dấu hiệu chững lại, tăng trưởng xuất khẩu chậm dần cùng nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sự tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu.
“Chuỗi cung ứng đứt gãy tạo ra chi phí sản xuất cao, nguồn cung ứng gặp khó khăn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại khiến nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng giảm sút, hoạt động thương mại quốc tế sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp, ngành nghề sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu sẽ tạo áp lực lớn đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cũng khiến tình hình sản xuất kinh doanh trong nước khó phục hồi”, ông Thịnh bày tỏ.
Khó khăn lộ rõ
Chịu tác động từ kinh tế thế giới, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ giảm tốc trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu khiến các ngành dệt may, da giày, nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ… phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy các đơn hàng xuất khẩu giày dép của Việt Nam bắt đầu giảm đáng kể từ tháng 7/2022 do lượng hàng tồn kho cao tại các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Adidas, Nike… Sức tiêu thụ yếu khiến “ông lớn” giày thể thao của Đức - Adidas đang phải ngồi trên đống giày trị giá hơn 500 triệu Euro. Nike cũng đang vật lộn với hàng tồn kho tăng mạnh và tăng trưởng lợi nhuận chậm chạp.
Trong nước, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Đài Loan) chuyên sản xuất giày dép có quy mô lao động lớn nhất tại TP.HCM đã phải cho 20.000 công nhân nghỉ luân phiên trong 3 tháng do cắt giảm đơn hàng. Một số nhà bán lẻ cũng tạm dừng kế hoạch mở rộng kinh doanh hoặc giảm tốc tăng trưởng, điều này phát đi tín hiệu về sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng.
Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng giữ chân người lao động để khi có đơn hàng trở lại thì sẵn sàng có thể tăng tốc sản xuất, từ đó, ghi điểm với các nhà mua hàng và tạo sức hút so với đối thủ ở các quốc gia xuất khẩu khác.
Theo quan sát của nhiều tổ chức nghiên cứu, chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng chậm, lãi suất tăng. Tình trạng suy thoái này dự kiến có thể kéo dài đến quý 3/2023 cho đến khi tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại sau khi lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dần hạ nhiệt và việc tăng lương tối thiểu sẽ tạo ra một động lực nhẹ cho tiêu dùng hàng hóa.