Phát biểu tại hội nghị về tình hình đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào sáng 27/6, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam – cho biết, từ đầu năm 2022 tới nay, thị trường vận tải ngành hàng không nội địa đã bắt đầu phục hồi, có lúc gần đạt các chỉ số cơ bản về khai thác hành khách và hàng hóa so với trước dịch.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang gặp những khó khăn và thách thức do tác động từ dịch bệnh. Cụ thể, theo ông Bùi Doãn Nề, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động tiêu cực rất lớn đối với hàng không Việt Nam và để lại những hậu quả, nhiều năm sau mới khắc phục được.
Do thị trường hàng không thế giới phục hồi chậm, đang có những thay đổi quan trọng về cấu trúc và nhu cầu, chịu tác động bất lợi từ nhiều nhân tố mà ngành hàng không chưa thể kiểm soát được. Một bộ phận lao động kỹ thuật, quản lý có trình độ cao nghỉ việc / chuyển việc gây thiếu hụt lao động khi thị trường phục hồi. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng trong ngành hàng không khiến việc cung ứng bị ảnh hưởng dẫn đến tăng chi phí.
Trong khi đó, yêu cầu phòng dịch ở nhiều nước chưa được gỡ bỏ, ảnh hưởng bất lợi tới nhu cầu và tâm lý khách hàng, làm tăng chi phí cho khách hàng cũng như của các doanh nghiệp ngành hàng không. Tác động từ sự tranh chấp và xung đột quốc tế làm giá nhiên liệu tăng cao, nhiều tuyến đường bay phải điều chỉnh làm tăng giờ bay dẫn đến tăng chi phí, sự cạnh tranh trên các đường bay Quốc tế trở lên khốc liệt hơn, trong khi tiềm lực các doanh nghiệp hàng không Việt Nam còn hạn chế.
Các doanh nghiệp hàng không Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu về đầu tư phát triển và khắc phục những hậu quả do dịch bệnh Covid-19 để lại, đáp ứng được khi thị trường phục hồi và vị thế cạnh tranh.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hàng không phục hồi, phát triển, nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh trong nước và quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt nam đề xuất một số giải pháp, bao gồm: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không Việt Nam; Triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều, để các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong thâm nhập và khai thác thị trường này.
Cùng với đó, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về 0% cho đến khi thị trường hàng không quốc tế được phục hồi, trước mắt sớm thực hiện mức áp dụng 1.000 đ/lít. Tiếp tục xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hành không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục về mức thời điểm trước dịch.