Hành động kịp thời
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp mía đường, từ năm 2018 đến nay, ngành mía đường trong nước bị thiệt hại rất lớn bởi sức ép từ đường Thái Lan bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại. Trước thực trạng này, tháng 2/2021 - sau 5 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã đánh giá thiệt hại của ngành mía đường trong nước và áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời 48,88% đối với đường từ Thái Lan, đến tháng 6/2021 mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp là 42,99% và chống trợ cấp 4,65%, tổng cộng 2 loại thuế này là 47,64%, thời hạn áp dụng 5 năm.
Tuy vậy, sau khi bị áp thuế thì đường Thái Lan lẩn tránh thuế bằng cách chuyển đường có nguồn gốc từ Thái Lan sang 5 nước ASEAN là Lào, Campuchia, Indonesia và Myanmar vào Việt Nam. Vì vậy, đầu tháng 8/2022 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1514/QĐ- BCT áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 47,64% đối với đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có nguồn gốc nguyên liệu của Thái Lan. Chính sách này được áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026, gieo thêm kỳ vọng phục hồi cho ngành mía đường Việt Nam sau một thời gian dài chịu sức ép lớn từ đường bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại.
Không chỉ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại mà thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước cũng rất tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường để truy quét đường nhập lậu, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo đó, tại các địa phương là điểm nóng về hàng lậu ở khu vực biên giới Tây Nam như An Giang, Đồng Tháp và Long An, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, kịp thời chặn đứng nhiều vụ nhập lậu đường từ Campuchia vào Việt Nam.
"Việc triển khai đồng loạt các biện pháp chính thức chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh là thành công rất lớn của doanh nghiệp ngành mía đường và các cơ quan quản lý chức năng, trong đó có vai trò chủ đạo của Bộ Công Thương, tạo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu. Về ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận, về dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiệm trọng. Bên cạnh đó, với "gọng kìm" chống buôn lậu, hiện đường lậu cũng được đẩy lùi, mang lại cơ hội tăng trưởng mới cho doanh nghiệp ngành mía đường" - ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường (VSSA) cho biết.
Tín hiệu khả quan
Theo VSSA, mặc dù từ đầu năm đến nay, giá đường trong nước có giảm nhưng vẫn đang ở mức cao trong vòng 5 năm qua (giá đường tại các nhà máy ở mức 17.250 - 17.700 đồng/kg). Nhờ đó, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành đường trong niên vụ 2021- 2022 (năm tài chính của nhiều doanh nghiệp bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau) đã khởi sắc trở lại.
Theo đó, một số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng cao như Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa (SBT) - đạt lợi nhuận sau thuế 818 tỷ đồng, tăng 167 tỷ đồng, tương đương tăng 27% so với cùng kỳ. Hay Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LSS), báo cáo niên độ tài chính 2021-2022 ghi nhận doanh thu đạt 2.042,31 tỷ đồng, tăng 11% so với niên độ trước.
Đặc biệt, giá bán tăng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng cung cấp dịch vụ của LSS tăng 28,9%, đạt 211 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 95,5% so với cùng kỳ năm 2021, lên 44,7 tỷ đồng. Còn Công ty CP Mía đường Sơn La (SLS) có doanh thu niên độ 2021-2022 đạt hơn 868,97 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận cũng tăng nhẹ, cùng với việc tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí tài chính đã giúp lợi nhuận sau thuế của SLS đạt gần 187,64 tỷ đồng, cao hơn 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, nhờ đà tăng của giá đường thế giới, trong khi thị trường trong nước được bảo vệ trước tình trạng bán chống phá giá, gian lận thương mại của doanh nghiệp nhiều nước trong khu vực. Tuy vậy, để phục hồi và tăng trưởng bền vững, các chuyên gia cho rằng, ngành mía đường trong nước cần đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm giá thành nguyên liệu. Và các doanh nghiệp cần năng động hơn trong việc phát triển đa dạng sản phẩm, bên cạnh sản phẩm chính là đường để tăng doanh thu như: Sản xuất ethanol, ván ép, phân bón… từ bã mía; cần ứng dụng kinh tế tuần hoàn để gia tăng giá trị.