Cụ thể, BCTC của các doanh nghiệp cho thấy, kết quả kinh doanh của 16 doanh nghiệp bất động sản đã công bố thì chỉ có 5 doanh nghiệp có tăng trưởng dương, còn lại 11 doanh nghiệp tăng trưởng âm. Trong đó, Văn Phú Invest (VPI) lợi nhuận trước thuế đạt 661 tỷ đồng, tăng 69% so với năm 2021; Viglacera (VGC) lợi nhuận trước thuế đạt 2.312 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2021.
Ở chiều ngược lại, Fideco (FDC) lỗ 198 tỷ đồng, giảm 1.620% so với năm 2021; LDG lợi nhuận trước thuế đạt 8 tỷ đồng, giảm 97% so với năm 2021; Tín Nghĩa IP (TIP) lợi nhuận trước thuế đạt 34 tỷ đồng, giảm 73%.
Ngành cao su, mặc dù không thua lỗ nặng như bất động sản, nhưng nhìn chung kết quả kinh doanh năm 2022 cũng kém khả quan. Trong 4 doanh nghiệp đã công bố BCTC, Bà Rịa Rubber (BRR) đạt 165 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, cao su Đồng Phú (DPR) giảm 40%, Tân Biên (RTB) giảm 26%.
Nhóm ngành chứng khoán hầu hết là tăng trưởng âm hai con số trở lên, duy chỉ có KS Securities lợi nhuận trước thuế đạt 407 tỷ đồng, tăng 20%; VPS lợi nhuận trước thuế đạt 1.008 tỷ, tăng 1% so với năm 2021. Còn lại 18 công ty chứng khoán kết quả kinh doanh “bết bát”. Điển hình là Bảo Minh Securitties (BMS) lợi nhuận trước thuế âm 120 tỷ đồng, giảm 152% so với năm trước; VDSC lợi nhuận trước thuế âm 153 tỷ đồng, giảm 129% so với năm trước; Thiên Việt (TVS) lợi nhuận trước thuế âm 26 tỷ đồng, giảm 105% so với năm trước. Đáng chú ý, một số “ông lớn” trong lĩnh vực chứng khoán như SSI, VNDirect cùng giảm 37% so với năm trước.
Ở lĩnh vực cơ khí cũng ảm đạm không kém khi lợi nhuận trước thuế của PV Coating lợi nhuận trước thuế âm 12 tỷ đồng, giảm 1.626% so với năm trước. Mảng dệt may cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình thế giới nên các doanh nghiệp này đa phần kết quả kinh doanh đều giảm sút mạnh, trong đó có Garmex Sài Gòn (GMC) lợi nhuận sau thuế âm 71 tỷ đồng, giảm 229% so với năm trước
Lĩnh vực đầu tư với 3 doanh nghiệp công bố đều âm nặng. Đơn cử như VKC Holdings (VKC) lợi nhuận trước thuế đạt 238 tỷ đồng, giảm 7.639% so với năm 2021; Nhà Đà Nẵng (NDN) lợi nhuận trước thuế âm 137 tỷ đồng, giảm 144% so với năm trước; Licogi 14 (L14) lợi nhuận trước thuế đạt 32 tỷ đồng, giảm 46% so với năm 2021.
Ngành F&B cũng chịu chung số phận khi kết quả kinh doanh đều giảm so với năm 2021, như Vocarimex (VOC) giảm 138% so với năm 2021; Vinacafe Biên Hoà giảm 28%.
Bên cạnh kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thua lỗ trên, ở một góc khác, điểm sáng kinh doanh thuộc về lĩnh vực ngân hàng – tài chính, hoá chất, bảo hiểm, nông nghiệp, năng lượng…
Theo đó, ngân hàng – tài chính kết quả kinh doanh khá tốt trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Trong số 11 ngân hàng và công ty tài chính công bố BCTC thì chỉ có ABBank giảm 13% so với năm trước, còn lại là tăng trưởng 2 con số trở lên. Điển hình Eximbank (EIB) lợi nhuận trước thuế đạt 3.709 tỷ đồng, tăng 208% so với năm 2021. Tiếp theo là LPB và Saigonbank (SGB), PGBank (PGB) lần lượt tăng 56, 54%, 54%.
BCTC cho thấy, mảng năng lượng hầu như không bị tác động khó khăn của tình hình thế giới, lạm phát, do đó tăng trưởng của các doanh nghiệp này khá tốt. Các doanh nghiệp điện/thuỷ điện tăng trưởng đều 2 con số. Đơn cử như Bắc Minh (SBM) lợi nhuận trước thuế đạt 156 tỷ đồng, tăng 170%; CHP lợi nhuận trước thuế đạt 260 tỷ đồng, tăng 110%; A Vương (AVC) lợi nhuận trước thuế đạt 650 tỷ đồng, tăng 85%; Thuỷ điện Thác Bà lợi nhuận trước thuế đạt 453 tỷ đồng, tăng 84%...
Năm 2023 được các bộ ngành và các chuyên gia dự báo tình hình kinh tế trên thế giới sẽ khó khăn, phức tạp hơn bởi cuộc xung đột chính trị Nga – Ukraine, tình hình lạm phát khả năng sẽ lan sâu rộng; trong nước các đơn hàng xuất khẩu sẽ giảm sút… Điều này sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng, các ngành như năng lượng, ngân hàng, tài chính… ít bị tác động bởi khó khăn chung trên thế giới nên kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng đều.