Ở một diễn biến khác, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu phân bón Nga sẽ đem lại dấu hiệu tích cực về nguồn cung và giá phân bón trên toàn cầu.
Với thị trường nguyên liệu, thị trường thế giới cũng cho thấy giá hai nguyên liệu trong sản xuất phân bón là lưu huỳnh , axit sulfuric cũng giảm so với cuối tuần trước. Giá lưu huỳnh là 1.506 nhân dân tệ/tấn (222 USD/tấn), hạ 6% so với cuối tuần trước. So với thời điểm lập đỉnh 589 USD vào 20/6, giá lưu huỳnh đã giảm hơn 60%. Giá axit sulfuric hạ 0,3% xuống còn 758 nhân dân tệ/tấn (112 USD/tấn).
Tại thị trường trong nước, ngày 25/7, giá ure Hà Bắc tại Hà Nội là 790.000 đồng/bao 50 kg, giảm 5.000 đồng/bao so với cuối tuần trước. Giá NPK giảm 10.000 đồng/bao so với cuối tuần trước và còn 1.080.000 đồng/bao.
Giá kali hạt Rồng Đỏ tại Quảng Bình là 890.000 đồng/bao 50 kg, giảm 20.000 đồng/bao so với cuối tuần trước. Tại thị trường Trung Quốc, giá ure là 2.522 nhân dân tệ/tấn (373 USD/tấn), giảm 4% so với cuối tuần trước. Từ hơn 1 tháng nay, giá ure liên tục giảm và hiện giá thấp hơn giữa tháng 6 khoảng 22%.
Giá ure tại thị trường thế giới liên tiếp ghi nhận giảm nhiệt trong hơn 1 tháng trở lại. Đây cũng là yếu tố “kéo” giá ure trong nước giảm xuống.
Trong khi giá ure, kali, NPK liên tục hạ nhiệt, thị trường ghi nhận giá DAP và photpho vàng đi ngang so với cuối tuần trước. Giá DAP là 4.725 nhân dân tệ/tấn (699 USD/tấn) và photpho vàng là 33.000 nhân dân tệ/tấn (4.885 USD/tấn). Giá DAP thế giới và trong nước vẫn neo ở mức cao thời gian qua.
Tuần qua cũng ghi nhận một diễn biến tích cực cho thị trường phân bón thế giới khi phân bón, nông sản Nga được dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu. Cụ thể, ngày 22/7, tại thành phố Istanbul, Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận riêng biệt với Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc mở đường cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng, trong đó có phân bón qua biển Đen; cũng như dỡ bỏ các hạn chế với ngũ cốc và phân bón của Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, bản ghi nhớ này nhằm đảm bảo "các chuyến hàng thực phẩm và phân bón của Nga, bao gồm cả nguyên liệu thô để sản xuất thành phẩm ra thị trường quốc tế" một cách minh bạch và không bị cản trở.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng thông báo rằng Nga đã ký hai thỏa thuận, có mối liên hệ với nhau và bản ghi nhớ sẽ dọn đường cho việc nối lại xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Nga.
Với việc kí bản hiệp ước lần này, không những mở ra hi vọng đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, mà còn giảm áp lực nguồn cung phân bón trong thời gian tới.
Như vậy, có thể trong thời gian tới, áp lực về nguồn cung và giá cả phân bón dự kiến sẽ tiếp tục hạ nhiệt.
Nga là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Trong năm 2021, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân ure, NPK, amoni nitrat, xuất khẩu kali đứng thứ 3 và phosphat đứng thứ 4 trên thế giới.
Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Nga khoảng từ 130.000-380.000 tấn, chiếm khoảng 3-9,5% tổng khối lượng nhập khẩu, tương ứng 5-11,9% về giá trị, chủ yếu nhập phân kali, phân NPK và DAP. Riêng lượng phân kali nhập từ Nga khoảng từ 68.000-200.000 tấn/năm, chiếm từ 7,2-18,6% so với tổng lượng nhập khẩu loại phân bón này.
Năm 2021, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga là tên 320.000 tấn, chiếm 6,27% so với tổng lượng phân bón nhập khẩu; trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là kali với trên 195.000 tấn, chiếm trên 15% tổng lượng kali nhập khẩu.