Theo hãng tin CNBC, chưa từng có một tiền lệ lịch sử nào mà ở đó một nền kinh tế đang suy thoái lại có thể tạo được 528.000 công việc mới trong một tháng như nền kinh tế Mỹ trong tháng 7 vừa rồi. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7 là 3,5%, thấp nhất kể từ năm 1969, cũng không phù hợp với định nghĩa về một cuộc suy thoái kinh tế.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không có một cuộc suy thoái nào đang chờ kinh tế Mỹ phía trước. Một điều trớ trêu ở dây là chính sự vững vàng của thị trường lao động có thể đặt toàn bộ nền kinh tế vào nguy cơ dài hạn lớn nhất. Đó là bởi tình trạng thắt chặt của thị trường việc làm càng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay để khống chế lạm phát đang trên đà leo thang mạnh và đã đạt mức cao nhất trong hơn 40 năm. Một tác dụng của việc tăng lãi suất được cho sẽ là giải toả bớt sự thắt chặt của thị trường lao động và hãm bớt đà tăng của tiền lương, qua đó giảm bớt sức ép lạm phát.
Nhiệm vụ không dễ dàng của Fed
“Vấn đề nằm ở chỗ sức mạnh của thị trường việc làm tạo thêm dư địa để tiếp tục tăng lãi suất, và việc tăng lãi suất đó làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái”, Giám đốc đầu tư Jim Baird của Plante Moran Financial Advisors phát biểu. “Tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ mà không gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với người tiêu dùng và nền kinh tế hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng”.
Trên thực tế, sau báo cáo việc làm rực rỡ - bao gồm mức tăng 5,2% của tiền lương theo giờ so với cùng kỳ năm trước – các nhà giao dịch ở Phố Wall đã tăng đặt cược vào sự cứng rắn gia tăng của Fed. Ở thời điểm ngày thứ Sáu (5/8), thị trường đặt cược khả năng 69% Fed có đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ ba liên tiếp trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 9 – theo dữ liệu của sàn CME Group.
Ngày thứ Tư tuần này, thị trường tài chính sẽ đón nhận thêm một báo cáo quan trọng từ Bộ Lao động Mỹ, và đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát được quan tâm nhiều nhất. Theo dự báo, chỉ số này tiếp tục tăng mạnh, phản ánh áp lực giá cả gia tăng dù giá xăng ở Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 7.
Một con số “nóng” về lạm phát sẽ làm khó thêm cho nỗ lực của Fed trong việc dùng công cụ lãi suất để kiềm chế giá cả tiêu dùng mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Giám đốc đầu tư trái phiếu toàn cầu Rick Rieder của công ty quản lý tài sản khổng lồ BlackRock nói rằng thách thức đối với Fed hiện nay là “làm thế nào để tạo ra một cuộc ‘hạ cánh mềm’ trong lúc nền kinh tế đang ‘nóng’, và cuộc ‘hạ cánh’ đó diễn ratrên một đường băng chưa từng được sử dụng bao giờ”.
“Báo cáo việc làm đã tốt hơn nhiều so với kỳ vọng, làm khó cho Fed khi Fed đang muốn thị trường việc làm dịu đi để kéo lạm phát xuống. Câu hỏi đặt ra lúc này là lãi suất sẽ còn tăng đến đâu trước khi lạm phát có thể được kiểm soát?” ông Rider viết trong một báo cáo.
Điều xấu nhất còn chưa đến?
Trong phiên ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm cao hơn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm với mức chênh lệch cao nhất trong khoảng 22 năm. Việc lợi suất của trái phiếu kỳ hạn ngắn vượt lợi suất của trái phiếu kỳ hạn dài được gọi là hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất - một dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra, nhất là khi sự đảo ngược đó kéo dài. Hiện nay, đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã đảo ngược từ đầu tháng 7.
Sự đảo ngược của đường cong lợi suất không chỉ báo suy thoái sắp xảy ra ngay, mà thường xảy ra sau 1-2 năm. Điều này có nghĩa là Fed còn thời gian để xoay sở, nhưng cũng có nghĩa là Fed không được tăng lãi suất với tốc độ chậm rãi mà phải tăng nhanh lãi suất - một điều mà các nhà hoạch định chích sách muốn tránh - để khi suy thoái xảy ra, họ có thể đã khống chế được lạm phát rồi và bắt đầu chuyển sang hạ lãi suất để cứu tăng trưởng.
“Đây chắc chắn không phải là kịch bản chính của tôi, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ bắt đầu nghe người ta nói về việc tăng mạnh lãi suất liên tiếp. Dù vậy, việc này sẽ chỉ có thể xảy ra nếu báo cáo lạm phát tiếp theo cho thấy sức nóng của giá cả”, chiến lược gia trưởng Liz Ann Sonders của Charles Schwab nói.
Bà Sonders gọi tình hình hiện nay là một “chu kỳ đặc biệt” trong đó nhu cầu dịch chuyển từ hàng hoá sang dịch vụ và đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế, khiến cho cuộc tranh luận liệu kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa không còn quan trọng bằng việc gì đang đợi nền kinh tế này phía trước.
Đó cũng là quan điểm chung của giới chuyên gia kinh tế nói chung, những người lo sợ rằng phần gian khó nhất của hành trình còn chưa đến.
“Dù tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã giảm hai quý liên tiếp trong nửa đầu năm nay, một thị trường việc làm mạnh đồng nghĩa nền kinh tế hiện có thể không suy thoái. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm và ngày càng có khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trước cuối năm nay hoặc đầu năm 2023”, chuyên gia kinh tế cấp cao Frank Steemers của The Conference Board phát biểu.