Bằng chứng mới nhất và có lẽ thuyết phục nhất về việc chuyển sang tuần làm việc 4 ngày đến từ cuộc thử nghiệm kéo dài 6 tháng bắt đầu vào tháng 2/2022, trong đó 33 công ty có nhân viên ở 6 quốc gia đã giảm khối lượng công việc xuống còn 4 ngày hoặc 32 giờ/tuần.
Được tổ chức bởi 4 Day Week Global, thử nghiệm này nhằm đánh giá xem liệu các nhân viên có thể làm việc hiệu quả chỉ với 80% thời gian hay không. Lưu ý rằng họ vẫn được nhận lương như khi làm việc 5 ngày/tuần.
Đến nay, kết quả đạt được vô cùng tích cực: Các công ty trong chương trình báo cáo doanh thu tăng lên, sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên được cải thiện, đồng thời chính sách tuần làm việc 4 ngày đã có tác động tích cực đến môi trường. Sau thành công đó, hàng trăm công ty khác đã xem xét hoặc áp dụng chính sách tương tự.
Theo Business Insider, kết quả của các thử nghiệm cho thấy tuần làm việc 4 ngày tốt hơn cho mọi người.
Khi bắt đầu thử nghiệm, các nhân viên tại Soothing Solutions (Ireland) – công ty chuyên sản xuất viên ngậm trị ho cho trẻ em, đã hoài nghi rằng liệu tuần làm việc 4 ngày có khả thi hay không, chứ chưa nói đến việc sinh lời. Nhưng những người sáng lập Sinéad Crowther và Denise Lauaki vẫn đặt kì vọng vào đó. Khi công ty được thành lập năm 2017, hai người muốn thiết lập nền văn hóa tập trung vào con người, vì vậy, khi Crowther biết về chương trình trên vào năm 2021, cô đã coi đó là cách để thu hút và giữ chân nhân tài.
Crowther cho biết kết quả tuyệt vời đến mức khiến cô suýt rơi nước mắt. “Một trong những nhân viên của chúng tôi có cha mẹ già bị bệnh nan y. Cô ấy nói nếu không có chế độ làm việc đó, cô ấy sẽ không có thời gian cho họ nhiều hơn”.
Phong trào làm việc 4 ngày/tuần đã được thúc đẩy mạnh mẽ sau cuộc Đại nghỉ việc và khiến nhiều người lao động suy nghĩ lại về cách làm việc. Kỳ lân công nghệ Bolt đã trở thành startup đầu tiên thử nghiệm chế độ làm việc này vào năm 2021. Mọi việc thành công đến mức công ty này chính thức triển khai sau 3 tháng thử nghiệm.
Một nghiên cứu năm 2019 của Trường Kinh doanh Henley cho thấy 2/3 doanh nghiệp đã chứng kiến năng suất của nhân viên tăng lên khi áp dụng chế độ tuần làm việc 4 ngày.
Tất nhiên, tuần làm việc ít ngày hơn cũng đồng nghĩa với khối lượng công việc tăng lên trong những ngày đi làm, gây ra một số căng thẳng. Mặt khác, nhiều công ty không thể đóng cửa một ngày trong tuần (ví dụ ngân hàng hoặc hãng tin tức). Tuy nhiên, họ có thể tiếp cận chế độ tuần làm việc 4 ngày theo cách họ xử lý hai ngày cuối tuần là sắp xếp để các nhóm luôn có người luân phiên làm việc.
Cho đến năm 1926, tuần làm việc tiêu chuẩn của Mỹ kéo dài 6 ngày. Sau đó, Henry Ford đã giảm tuần làm việc tại công ty mang tên mình xuống còn 5 ngày. Ông tin rằng việc có thêm một ngày nghỉ sẽ làm tăng năng suất của công nhân, giúp họ có thêm thời gian nhàn rỗi để tiêu nhiều tiền hơn.
Sau đó, chính sách mà Ford đưa ra đã được đặt làm tiêu chuẩn cho tuần làm việc 40 giờ như hiện nay. Ở thời điểm hiện tại, theo các chuyên gia, tiêu chuẩn đó dường như đã chín muồi để được thay đổi một lần nữa.
Barry Prost - đồng sáng lập của công ty Ailen Rent a Recruiter, đã tham gia thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày kéo dài 6 tháng. Khi đại dịch bùng phát, công ty của ông chuyển sang mô hình làm việc từ xa vĩnh viễn và sau khi biết về chương trình này, công ty cũng quyết định thử áp dụng. Đối với Prost, điều đặc biệt quan trọng là đảm bảo mọi thứ không ảnh hưởng đến khách hàng.
Prost chia sẻ: “Khách hàng của chúng tôi đều rất ủng hộ. Thậm chí, một số còn hỏi thêm thông tin để áp dụng với doanh nghiệp của họ. Nhân viên của tôi khi đã quen với lịch trình mới đều không muốn quay trở lại làm việc 5 ngày/tuần”.
Các công ty tham gia thử nghiệm đã báo cáo hầu như không có nhược điểm nào. Không công ty nào trong số 27 công ty tham gia khảo sát cho biết họ kế hoạch quay trở lại chế độ làm việc 5 ngày/tuần. Và gần như tất cả 495 nhân viên tham gia thử nghiệm đều muốn duy trì tuần làm việc 4 ngày. Theo các cuộc khảo sát sau thử nghiệm, tất cả mọi người từ CEO, quản lý cho đến nhân viên cấp dưới đều nhận thấy những lợi ích sâu rộng của chính sách này.
Bên cạnh đó, làm việc ít ngày hơn cũng đem lại lợi ích cho môi trường. Thời gian làm việc ít hơn đồng nghĩa với lượng khí thải carbon thấp hơn vì mọi người đi lại ít hơn và các doanh nghiệp sử dụng ít năng lượng hơn. Thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày cho thấy những người tham gia dành thời gian đi lại ít hơn một giờ so với trước thử nghiệm.
Orla Kelly - nhà xã hội học môi trường tại Đại học Dublin, người đứng đầu nghiên cứu về thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, cho biết tuần làm việc ngắn hơn giúp mọi người đưa ra nhiều lựa chọn thân thiện với môi trường hơn.