Số tiền gửi ngân hàng của người dân và doanh nghiệp tăng hơn nửa triệu tỷ đồng trong vòng nửa năm.
Kết thúc nửa năm 2022, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 11,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2021 (theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Đứng đầu bảng xếp hạng các ngân hàng thu hút lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất tính đến tháng 6/2022 vẫn là nhóm Big 4 ngành ngân hàng: Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank với lượng tiền gửi hơn 1 triệu tỷ đồng tại mỗi ngân hàng.
Nhóm Big 4 chiếm 47% tổng giá trị tiền gửi
Thống kê từ FiinPro cho thấy tổng lượng tiền gửi tại nhóm Big 4 lên đến 5,4 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 47% tổng giá trị tiền gửi, tương đương với tỷ lệ cuối năm 2021. Trong đó, Vietcombank ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi của khách hàng cao nhất, gần 5,3% so với cuối năm 2021. Thu nhập lãi thuần bán niên 2022 của Vietcombank cũng tăng gần 17% so với cùng kỳ, đạt 24,8 nghìn tỷ đồng.
Top 14 ngân hàng sở hữu lượng tiền gửi của khách hàng lớn nhất tính đến tháng 6/2022.
Hiện nay, khung lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng trong nhóm Big 4 tương đối giống nhau, dao động trong khoảng 3,1%-5,6%/năm, thay đổi tùy theo kỳ hạn.
Thực tế, nhóm ngân hàng này dù có mức lãi suất huy động tương đối thấp so với mặt bằng chung nhưng nhờ uy tín lâu năm cùng mạng lưới chi nhánh trải dài khắp cả nước, đây vẫn là nơi gửi tiền của nhiều doanh nghiệp nghiệp lớn và người dân. Tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, Agribank hay BIDV gần như không vấp phải sự cạnh tranh từ các ngân hàng tư nhân.
Thu nhập lãi thuần của Big 4 ngân hàng nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ.
Nhận được lượng tiền gửi khổng lồ, các ngân hàng nhóm Big 4 cũng chiếm ưu thế về thu nhập lãi thuần, là khoản thu từ chênh lệch lãi suất cho vay khách hàng và lãi suất tiền gửi.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, BIDV và Vietcombank đều có mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần vượt trội, hơn 15% so với cùng kỳ. Agribank ghi nhận lãi thuần bán niên tăng 7,3% so với cùng kỳ. Vietinbank lép vế hơn khi chỉ tăng xấp xỉ 3% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Top 10 ngân hàng thương mại không có nhiều biến động
Sức hút của các ngân hàng thương mại với tiền gửi từ các doanh nghiệp và cư dân không có nhiều biến động so với trước.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục dẫn đầu về lượng tiền gửi của khách hàng đổ về. Trong 6 tháng đầu năm, SCB ghi nhận tiền gửi của khách hàng xấp xỉ 595 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2021.
Đồng thời, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm 2022 của SCB có cú lội ngược dòng ngoạn mục, từ khoản lỗ 1,25 nghìn tỷ đồng vào cùng kỳ năm trước, đã tăng mạnh và báo lãi 2,5 nghìn tỷ đồng trong năm nay.
Sở dĩ SCB duy trì tốt vị thế đứng đầu vì lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này luôn nằm ở mức cao. Lãi suất tiền gửi tại SCB đang ở mức 7,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng đến 36 tháng.
Top 10 ngân hàng TMCP sở hữu lượng tiền gửi của khách hàng cao nhất.
Xếp ngay sau SCB là Sacombank với số tiền gửi của khách hàng tính đến cuối quý II/2022 đạt 456,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm cuối năm ngoái. Dù đứng thứ 2 trong khối ngân hàng TMCP sở hữu lượng tiền gửi của khách hàng lớn nhất nhưng Sacombank lại là doanh nghiệp duy nhất trong danh sách này giảm thu nhập lãi thuần.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm 2022 của Sacombank đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, giảm 13,24% so với cùng kỳ năm trước. Việc giảm thu nhập lãi thuần, theo Sacombank là do lãi suất cho vay giảm và chi phí trả lãi vay các tổ chức tín dụng khác tăng.
Đồng thời, khối ngân hàng thương mại cũng chứng kiến cú bứt tốc từ VPBank khi lượng tiền gửi của khách hàng tăng 22,2% so với cuối năm 2021, nâng mức tiền gửi của khách hàng lên hơn 295 nghìn tỷ đồng.
HDBank và VIB cũng là những cái tên có mức tiền gửi của khách hàng tăng trưởng 2 chữ số trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, HDBank có lượng tiền gửi của khách hàng tăng gần 16% so với cùng kỳ. VIB có lượng tiền gửi của khách hàng tăng 13,6% so với cùng kỳ.
Techcombank là ngân hàng duy nhất trong top 10 ngân hàng thương mại ghi nhận lượng tiền gửi của khách hàng sụt giảm. Tính đến cuối quý II/2022, ngân hàng này sở hữu lượng tiền gửi của khách hàng hơn 312,6 nghìn tỷ đồng, giảm 2,1 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng?
Hiện nay, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi từ người dân và tổ chức kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Lãi suất huy động tiền gửi bình quân có xu hướng tiếp tục tăng. (Nguồn: VCBS)
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân của ngân hàng thương mại đều tăng 0,1-0,2 điểm phần trăm so với cuối năm 2021, dao động từ 3,3-6,7%/năm, thay đổi tùy theo kỳ hạn.
VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,3-0,5 điểm phần trăm trong 6 tháng cuối năm 2022.
Lãi suất tiết kiệm liên tục tăng cao kích thích người dân và các tổ chức kinh tế gửi tiền vào ngân hàng để sinh lời từ khoản tiền nhàn rỗi. Trong bối cảnh các lĩnh vực đầu tư như bất động sản hay chứng khoán đều đang đối mặt với những biến động lớn, thu lời từ hình thức gửi tiết kiệm là giải pháp an toàn với đại đa số người dân.
Số dư tiền gửi ngân hàng từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2022. (Nguồn ảnh: Zing News)
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 7/2022 tăng 9,42% so với đầu năm, tương đương mức tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trái lại, tăng trưởng huy động chỉ đạt 4,2% so với đầu năm, tương đương tăng 9,9% so với cùng kỳ. Các ngân hàng đang đứng trước cuộc đua huy động tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay trong nửa cuối năm khi nền kinh tế phục hồi tích cực.
Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đang giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại là điều khó tránh. Các ngân hàng đã bắt đầu rục rịch tăng lãi suất từ cuối tháng 7 năm nay và cuộc đua đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.