Sau một loạt những lùm xùm liên quan đến sự sụp đổ của sàn giao dịch điện tử FTX gần đây, Sam Bankman-Fried đã lần đầu tiên xuất hiện công khai tại hội nghị trực tuyến DealBook của New York Times.
Trong buổi hội nghị, nhà sáng lập 30 tuổi thừa nhận rằng mình "đã phạm sai lầm với tư cách giám đốc điều hành của FTX" nhưng anh "chưa bao giờ có ý định lừa đảo bất cứ ai".
"Nếu có cơ hội, tôi sẽ làm bất cứ điều gì để có thể thay đổi quá khứ", Bankman-Fried khẳng định.
Trước đó, theo trang tin CNN, vào đầu tháng 11, Bankman-Fried đã từ chức giám đốc điều hành của FTX sau khi sàn giao dịch này và một loạt các công ty liên kết kèm theo nộp đơn xin phá sản. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, đây là "khoảnh khắc Lehman" của thị trường tiền mã hóa, vì chỉ sau một đêm, nhiều khách hàng trên khắp thế giới đã phải vật lộn mà vẫn chưa lấy lại được tiền gửi của họ trên nền tảng này.
Tài sản cá nhân trị giá hàng tỷ USD của Bankman-Fried thì đã bốc hơi, trong khi các công ty tiền mã hóa có tiếp xúc tài chính với FTX thì rơi vào khủng hoảng.
Trong buổi hội nghị, một trong những câu hỏi quan trọng nhất xoay quanh Bankman-Fried là liệu FTX có biển thủ tiền của khách hàng để cho quỹ phòng hộ Alameda Research của anh vay hay không.
Trước đó, Bankman-Fried được cho là đã chuyển hơn 10 tỷ USD từ FTX sang Alameda Research nhằm "mục đích riêng". Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng thanh khoản của sàn và sụp đổ.
Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi này, Bankman-Fried khẳng định mình "không bí mật chuyển tiền mà chỉ gắn nhãn nội bộ gây khó hiểu". Theo cựu CEO FTX, tình huống này là do lỗi kế toán, trong đó có “sự khác biệt đáng kể” giữa báo cáo tài chính được kiểm toán hợp pháp của công ty và các số liệu hiển thị trên bảng điều khiển bị lỗi của sàn giao dịch.
Hơn nữa, ông chủ của FTX cũng cho biết rằng mình "không cố ý trộn lẫn giữa các khoản tiền của khách hàng với khoản tiền của công ty" mà đây chỉ là sai lầm do anh thiếu kiểm soát doanh nghiệp. Alameda hiện cũng không còn quá quan trọng đối với FTX như trước khi quỹ này hiện chỉ chiếm 2% tổng giao dịch trên sàn, thay vì 45% như năm 2019.
"Sai lầm lớn nhất là chúng tôi không có người chịu trách nhiệm chính cho việc quản lý rủi ro của khách hàng trên FTX, và bây giờ khi nhìn lại, tôi cảm thấy rất xấu hổ vì điều này", Bankman-Fried nói với DealBook.
Hiện vẫn chưa rõ khách hàng của FTX có thể được hoàn trả lại bao nhiêu tiền, nhưng Bankman-Fried vẫn khẳng định rằng khách hàng tại Mỹ và Nhật Bản có thể yên tâm.
Ngoài ra, những tuyên bố trước đây của Bankman-Fried về tình trạng của FTX và Alameda cũng đang được tòa án xem xét kỹ lưỡng lại khi bằng chứng về những sai lầm trong cách quản lý của vị cựu CEO này được công bố. Các công tố viên liên bang của thành phố New York cũng đang điều tra thêm về vụ việc này, trong khi một số cơ quan quản lý địa phương thì liên hệ với ban điều hành mới của FTX để xem xét việc tái cấu trúc hay phá sản.
Sự xuất hiện của Bankman-Fried tại hội nghị trực tuyến DealBook được khá nhiều nhà đầu tư dõi theo, tuy nhiên, thay vì có thái độ “hợp tác” thì cựu CEO FTX lại đưa ra rất nhiều lời biện hộ cho mình.
Ông Howard Fischer - cựu luật sư của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cho biết: "Tất cả những gì anh ta nói ra mà mâu thuẫn với bằng chứng sẽ được tòa án coi là lừa đối. Tôi không biết anh ta có ý định gì, nhưng những lời nói trong buổi phỏng vấn này chỉ mang đến điều tồi tệ hơn".
Cũng trong cuộc hội nghị này, Bankman-Fried đã cho biết rằng các luật sư của mình không muốn anh lên tiếng, nhưng anh cho rằng mình "có nhiệm vụ phải giải thích những gì đã xảy ra". Đây là lý do Bankman-Fried xuất hiện trực tuyến tại DealBook.
Khi được hỏi về tài sản cá nhân - ước tính khoảng 26 tỷ USD vào đầu năm nay - Bankman-Fried trả lời rằng mình đã dùng mọi thứ để cứu FTX cũng như thị trường tiền mã hóa. Số tiền trong tài khoản của anh hiện giảm xuống chỉ còn khoảng 100.000 USD.