Cho dù đó là những chiếc túi da bê hiệu Prada của Italy hay những chiếc áo trenchcoat với hoạ tiết kẻ đặc trưng Burberry của Anh, người Hàn Quốc là những người tiêu nhiều tiền vào hàng hiệu nhất thế giới, nếu tính theo mức chi tiêu vào hàng xa xỉ bình quân đầu người – theo một báo cáo của ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley.
Bản báo cáo ước tính tổng chi vào hàng hiệu cá nhân của người Hàn Quốc tăng 24% trong năm 2022, đạt 16,8 tỷ USD, tương đương 325 USD/người. Con số này lớn hơn nhiều so với mức 55 USD/người của Trung Quốc và 280 USD/người của Mỹ.
Các thương hiệu xa xỉ đều báo cáo doanh thu tăng trưởng mạnh tại thị trường Hàn Quốc. Moncler - hãng thời trang trượt tuyết có trụ sở ở Italy – cho biết doanh thu tại Hàn Quốc trong quý 2/2022 tăng gấp hơn 2 lần so với trước đại dịch. Hãng Richemont Group, chủ sở hữu thương hiệu Cartier, cho biết Hàn Quốc là một trong những thị trường ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 2 con số trong năm 2022, cả so với năm trước và so với cách đây 2 năm.
Hãng Prada nói rằng phong toả chống Covid ở Trung Quốc là một nguyên nhân khiến doanh thu bán lẻ của hãng giảm 7% trong năm 2022, nhưng sự sụt giảm thực tế “đã được bù đắp bởi kết quả tích cực ở thị trường Hàn Quốc và Đông Nam Á”.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley giải thích rằng nhu cầu hàng xa xỉ của người Hàn Quốc được thúc đẩy bởi cả hai yếu tố gồm sức mua tăng và mong muốn thể hiện địa vị xã hội.
“Vẻ bề ngoài và hình ảnh về sự thành công tài chính có ý nghĩa quan trọng với người Hàn Quốc hơn so với ở phần lớn các quốc gia khác”, báo cáo có đoạn viết.
Việc phô trương sự giàu có dễ dàng được chấp nhận hơn trong xã hội Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát của McKinsey cho thấy chỉ 22% người Hàn Quốc xem việc khoe đồ hiệu là một việc mang lại ấn tượng xấu, so với tỷ lệ 45% ở Nhật Bản và 38% ở Trung Quốc.
Nhu cầu sở hữu đồ hiệu ở Hàn Quốc cũng được hậu thuẫn bởi sự gia tăng của tài sản các hộ gia đình. Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho thấy giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình nước này tăng 11% trong năm 2021. Khoảng 76% tài sản hộ gia đình ở Hàn Quốc nằm ở bất động sản, mà giá nhà đất ở nước này đã tăng mạnh từ năm 2020.
Morgan Stanley cũng lưu ý rằng Seoul đang nổi lên thành một trung tâm thời trang mới của khu vực châu Á và các công ty đồ xa xỉ hàng đầu thế giới đang tìm cách tranh thủ sức ảnh hưởng của văn hoá K-pop trong việc tạo ra các xu hướng thời trang trong khu vực. Châu Á, nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động, là một thị trường chủ chốt thúc đẩy ngành hàng xa xỉ toàn cầu, trong đó Trung Quốc chiếm 1/3 tổng doanh thu hàng xa xỉ toàn thế giới.
“Gần như tất cả những ngôi sao giải trí lớn ở Hàn Quốc đều là đại sứ của các thương hiệu hàng xa xỉ hàng đầu”, báo cáo viết, đề cập đến diễn viên Lee Min-Ho là đại sứ thương hiệu của Fendi hay rapper G-Dragon là đại sứ thương hiệu của Chanel.
Thương hiệu Dior đã chọn ca sỹ Rose của ban nhạc Blackpink làm gương mặt đại diện cho bộ sưu tập HardWear. Dior cho biết lựa chọn này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người tiêu dùng và giúp doanh thu của bộ sưu tập tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, công ty tư vấn Bain & Company cảnh báo việc sử dụng thước đo bình quân đầu người để đánh giá về nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ. “Theo định nghĩa, hàng xa xỉ không phải là sản phẩm thị trường đại chúng”, chuyên gia Weiwei Xing của Bain nói với hãng tin CNBC.
“Chúng tôi cho rằng nên lấy tổng chi tiêu vào hàng hiệu chia cho dân số thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Như vậy mới rút ra một con số ý nghĩa hơn trong việc phản ánh quan điểm và mức tiêu dùng liên quan đến đồ xa xỉ”, ông Xing nói. Theo ông Xing, cách tính này sẽ rút ngắn khoảng cách về mức chi tiêu vào đồ hiệu giữa các quốc gia.
Dù vậy, Morgan Stanley nói rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc là một “sự xem trước” về thị trường đồ hiệu Trung Quốc sẽ như thế nào trong tương lai. Theo Morgan Stanley, thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc hiện nay vẫn ở mức độ phát triển thấp. Các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ nói Trung Quốc và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng trong quan điểm xem đồ hiệu là biểu tượng địa vị.
Hiện tại, mức chi tiêu vào hàng hiệu bình quân đầu người hàng năm của Hàn Quốc đang cao gấp khoảng 6 lần so với của Trung Quốc.
Trên phạm vi toàn cầu, McKinsey dự báo thị trường hàng hiệu sẽ tăng trưởng 5-10% trong năm 2023, chủ yếu nhờ nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ quay trở lại sau khi Trung Quốc phục hồi từ làn sóng Covid hiện nay”, ông Xing nói.