Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được ứng trước lương trong một số trường hợp như: Tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
Tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc, để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên, nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Như vậy, người lao động được thỏa thuận với người sử dụng lao động ứng trước lương để nghỉ Tết mà không bị tính lãi.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 97, Điều 101 và khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, mức tiền tạm ứng tiền lương sẽ theo từng trường hợp tạm ứng.
Cụ thể, tối đa 1 tháng tiền lương trong trường hợp người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên; khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ khi người lao động nghỉ hằng năm.
Dựa trên khối lượng công việc đã làm trong tháng đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán; 50% tiền lương khi người lao động bị tạm đình chỉ.
Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận thì mức tiền tạm ứng sẽ được thực hiện dựa trên ý chí của người lao động và người sử dụng lao động. Pháp luật không quy định cụ thể mức tiền lương tạm ứng tối đa.
Tạm ứng tiền lương là việc người lao động nhận tiền lương của mình trước thời hạn, không phải là khoản tiền vay nên sẽ không phải chịu bất kỳ lãi suất nào.
Mức tiền lương tạm ứng sẽ dựa trên đề xuất của người lao động, và các yếu tố khác như mức lương hiện hưởng, hoàn cảnh, công việc, thời gian làm việc tại công ty của từng người. Nếu ứng lương trước Tết, người lao động có thể đề xuất tạm ứng lương từ 30%, 50%, 70%, 100%...
Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với người sử dụng lao động không tạm ứng, hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây: Từ 5 - 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động; từ 10 – 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; từ 20 – 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
Mức phạt từ 30 – 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; từ 40 – 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài các chế độ về tiền lương, tiền thưởng, người lao động cũng lưu ý lịch nghỉ Tết Âm lịch sắp đến để tiện bố trí, xắp xếp công việc.
Theo thông báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đối với lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn của các cơ quan Nhà nước đã được ấn định từ thứ Năm ngày 8/2/2024 (ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão), đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 (ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần.
Đối với khu vực tư nhân, người sử dụng lao động có thể lựa chọn 1 trong 3 phương án nghỉ Tết.
Phương án 1: Nghỉ Tết Âm lịch 2024 gồm 1 ngày cuối năm Quý Mão và 4 ngày đầu năm Giáp Thìn. Với phương án này, người lao động nghỉ Tết từ ngày 9/2/2024 đến hết ngày 15/2/2024 (tức ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng).
Phương án 2: Nghỉ Tết Âm lịch 2024 gồm 2 ngày cuối năm Quý Mão và 3 ngày đầu năm Giáp Thìn. Với phương án này, người lao động nghỉ Tết giống như cán bộ, công chức viên chức, từ ngày 8/2/2024 đến ngày 14/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng).
Phương án 3: Nghỉ Tết Âm lịch 2024 gồm 3 ngày cuối năm Quý Mão và 2 ngày đầu năm Giáp Thìn. Nếu người sử dụng lao động chọn phương án này, người lao động được nghỉ từ ngày 7/2/2024 đến ngày 13/2/2024 (tức ngày 28 tháng Chạp đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng).