Theo New York Times, ánh sáng mặt trời chỉ rọi vào nhà của ông Kim Ssang-seok nửa tiếng mỗi ngày. Khi mở cửa sổ lên, ông thấy bánh xe chạy qua.
Ông Kim, một tài xế taxi 63 tuổi, chấp nhận phơi quần áo bên trong căn nhà không có ánh nắng. Ông liên tục phải đối phó với gián, chuột, mùi ẩm mốc và hôi thối trong căn nhà bán hầm rộng chưa tới 30 m2.
Giống ông Kim, hàng trăm nghìn hộ gia đình Hàn Quốc phải sống trong những căn nhà dưới hầm hoặc bán hầm chật chội, không đảm bảo an toàn và vệ sinh. Nhưng họ cũng không thể rời bỏ chúng.
"Tôi không còn nơi nào khác để đi", ông Kim than thở.
Không còn lựa chọn
Hôm 10/8, các quan chức Seoul cho biết sẽ cấm xây dựng những ngôi nhà ở tầng hầm hoặc bán hầm và tiến tới loại bỏ kiểu căn hộ này.
Kế hoạch được đưa ra sau khi một gia đình 3 người qua đời vì mắc kẹt dưới nhà bán hầm trong trận mưa kỷ lục đêm 8/8.
Theo đó, chính quyền thành phố sẽ gia hạn tối đa 20 năm để chủ sở hữu của những căn nhà dưới hầm hoặc bán hầm chuyển đổi mục đích sử dụng.
Ở Seoul, khi giá nhà đất tăng nhanh, nhiều sinh viên và cặp vợ chồng trẻ lựa chọn nhà bán hầm, còn được gọi là banjiha trong tiếng Hàn. Họ hy vọng một ngày có thể rời khỏi banjiha để sống trong những tháp chung cư.
Tuy nhiên, nhiều người già, người thất nghiệp không muốn rời khỏi banjiha. Thu nhập của họ chỉ đủ sống qua ngày. Nếu không còn những căn hộ dưới hầm, họ sẽ trở thành người vô gia cư.
Tôi vẫn thấy may mắn khi vẫn còn một nơi để ngủ, để che nắng mưa.
Ông Kim Ssang-seok, một tài xế taxi 63 tuổi
"Tôi vẫn thấy may mắn khi vẫn còn một nơi để ngủ, để che nắng mưa", ông Kim chia sẻ.
Theo thống kê của Chính phủ Hàn Quốc, hàng trăm nghìn người đang sống trong những căn nhà bán hầm nằm rải rác khắp Seoul. Chúng gần như ẩn mình dưới lòng thành phố. Chỉ khi vào ban đêm, người đi đường mới thấy ánh sáng yếu ớt hắt lên từ một phần của chiếc cửa sổ nằm thấp hơn mặt đường.
Theo anh Kim Nam-sik, một môi giới bất động sản ở Seoul, sự giàu có của một người được đo bằng độ cao của nơi họ sống. "Căn hộ của các vị nằm ở tầng càng cao thì càng đắt tiền", anh chia sẻ.
"Họ muốn ở càng cao càng tốt, bởi họ sẽ không phải ngửi đủ loại mùi bên dưới", ông Kim chia sẻ. "Những người sống ở tầng trên coi thường và xem chúng tôi là thứ gì đó bẩn thỉu", ông nói thêm.
Anh Lee Hyeon-woo, 26 tuổi, sống trong một banjiha rộng vỏn vẹn 24 m2, thấp hơn mặt đường khoảng 5 bậc cầu thang. Căn hộ của anh có một cửa sổ lớn. Nhưng toàn bộ tầm nhìn bị chắn bởi một bức tường ở cuối con hẻm. "Tôi có thể ngủ tới 3 giờ chiều vì không bị ánh nắng mặt trời đánh thức", anh chia sẻ.
"Nhưng tôi vẫn tự thấy mình may mắn. Ở đây không có nấm mốc, sâu bọ hay mùi hôi như những nơi khác. Giá thuê lại rẻ", anh Lee giải thích
Mạo hiểm tính mạng
Ông Kim, tài xế taxi, có vẻ tự hào khi kể rằng gia đình ông vẫn sống tốt hơn 3 hộ gia đình khác trong tòa chung cư. Họ sống chen chúc ở tầng bán hầm có giá thuê rẻ nhất.
Hơn nữa, ông còn sở hữu căn hộ chứ không phải đi thuê. Cách đây 20 năm, ông Kim đã bán căn nhà cũ để lấy tiền điều trị ung thư cho người vợ quá cố. Sau đó, ông mua chiếc banjiha hiện tại với giá 30.000 USD .
Dù vậy, khi gặp lại bạn bè thời trung học, ông Kim không dám cho địa chỉ vì sợ sẽ nhận được cái nhìn thương hại.
Tuy nhiên, điều khiến ông sợ hơn là phải rời khỏi căn nhà hiện tại. Nếu không còn được ở trong banjihan, ông Kim có thể phải sống tại các gosiwon hoặc jjokbang - những phòng trọ chật hẹp, không có cửa sổ hay giường ngủ. Ở những phòng trọ kiểu này, nhiều người nghèo Hàn Quốc đã chết trong cô độc.
Banjihan từng xuất hiện trong Parasite - bộ phim đạt giải Oscar của đạo diễn Bong Joon-ho - và trở thành biểu tượng cho tình trạng bất bình đẳng tại Hàn Quốc. "Họ sống trong hầm, nhưng vẫn muốn tin rằng mình thuộc về thế giới trên mặt đất", đạo diễn Bong bình luận.
"Họ sống với nỗi sợ thường trực rằng nếu điều gì tồi tệ xảy ra, họ sẽ bị lòng đất nuốt chửng", ông nói thêm.
Trở lại câu chuyện thương tâm khi Seoul hứng chịu trận mưa lịch sử đêm 8/8, sau khi nghe thấy tiếng kêu cứu của gia đình 3 người sống trong nhà bán hầm ở Silim, hàng xóm đã chạy tới phá cửa sổ để cứu giúp. Nhưng nước dâng lên quá nhanh, căn nhà bị ngập chỉ trong vài giây.
Ông Ha In-Sik, sống tại một căn nhà bán hầm ở Silim, phải ngủ ở công viên sau trận mưa lịch sử. Người đàn ông 50 tuổi đã cùng vợ và con gái thu dọn đồ đạc ra ngoài. "Tôi không có tiền, không có gì cả. Gia đình tôi phải sống trong căn nhà bán hầm vì đó là lựa chọn duy nhất", ông tuyệt vọng.
Theo dữ liệu của cơ quan nghiên cứu Korea Real Estate Board, giá nhà trung bình tại Seoul đã tăng từ 341 triệu won (274.000 USD) vào tháng 5/2017, khi cựu Tổng thống Moon Jae In nhậm chức, lên 626 triệu won (500.000 USD) trong tháng 3 năm nay.
Trong khi đó, thu nhập trung bình của một gia đình tại Hàn Quốc trong quý III/2021 là 4,73 triệu won/tháng (tương đương 4.000 USD). Theo số liệu năm 2018, thu nhập của những "cư dân banjihan" chỉ khoảng 2,19 triệu won/tháng.
Theo một thống kê cách đây 2 năm, một người lao động bình thường tại Hàn Quốc sẽ phải tiết kiệm khoảng 63 năm để mua một căn hộ. Điều này khiến những người nghèo đô thị không còn lựa chọn nào khác ngoài sống trong các banjiha chật chội, ồn ào, thiếu riêng tư và thậm chí nguy hiểm với tính mạng.
Theo ông Kim Ssang-seok, ông đã chứng kiến những người hàng xóm cũ của mình bị buộc phải ra khỏi các banjihan. Khi đó, họ đều rời đi trong nước mắt.