Tối thứ 6 hàng tuần, Trung Nhật (26 tuổi, TP.HCM) gác lại toàn bộ công việc đang dở dang, dành thời gian gặp bạn bè tại một quán pub quen thuộc.
Năm ngày trong tuần, nhân viên thiết kế này đến công ty lúc 9h30 và về nhà khi tối muộn. Đổi lại, anh yêu cầu có 2 ngày nghỉ trọn vẹn vào cuối tuần, mong cấp trên tôn trọng.
"Tôi lo sợ mất kết nối xã hội nếu để công việc cuốn đi", anh nói với Zing.
Trong một giai đoạn dài, nhiều người coi sự bận rộn là thước đo của thành tích. Những cá nhân tất bật, luôn có việc để làm được cho là người giàu năng lực, mối quan hệ cùng khả năng kiếm tiền vượt trội so với những ai nhàn rỗi.
Tuy nhiên, quan điểm này đang thay đổi, đặc biệt đối với người trẻ. Thay vì tán dương những đồng nghiệp hối hả 24/7, họ ngưỡng mộ người có khả năng cân bằng, bố trí phù hợp.
The New York Times gọi Gen Z và Millennials là "thế hệ lười biếng và đòi hỏi". Đây là nhóm người đầu tiên hiểu được vai trò của sự cân bằng hợp lý giữa công việc và cuộc sống.
So với các thế hệ trước đây, người lao động trẻ mong đợi và yêu cầu sự linh hoạt nhiều hơn trong công việc. Thống kê từ Forbes cho thấy khi ứng tuyển, hơn 80% ứng viên Millennials nghiêm túc xem xét vị trí đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống. Phúc lợi doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, nhưng họ không chấp nhận đánh đổi với nhu cầu riêng tư.
Từ chối bận rộn
Trong những năm đầu của sự nghiệp, Trung Nhật từng là một "workaholic" (người cuồng công việc) chính hiệu. Công việc đòi hỏi sự sáng tạo và tập trung cao, anh luôn tỏ ra bận rộn với bút vẽ, laptop và máy tính bảng trên tay.
Nhiều ngày, anh làm việc liên tục đến 12 tiếng, mắt như "dán" vào màn hình với hàng loạt dự án cần xử lý.
Trong mắt nhiều người, Trung Nhật chắc hẳn có thu nhập rất cao với cường độ công việc như vậy.
Thế nhưng, chỉ anh mới biết mình đang "bận rộn vô nghĩa" bởi năng suất làm việc còn thấp, trong khi thời gian cho cuộc sống cá nhân lại quá ít ỏi.
"Giai đoạn mới đi làm, đầu óc tôi tập trung rất kém, chuyên môn lại chưa vững nên làm mọi thứ mất thời gian. Một ngày làm việc rất dài, nhưng tôi nhẩm tính hiệu suất chẳng đáng là bao. Trên thực tế, tôi chỉ bận rộn chứ không hiệu quả", anh giải thích.
Cho đến khi thấy cơ thể báo hiệu vấn đề sức khỏe, Trung Nhật nhận ra sự bận rộn không hề mang nhiều ý nghĩa tích cực như mình nhầm tưởng. Anh loay hoay tìm cách làm việc ít hơn, ưu tiên chất lượng sản phẩm thay vì số lượng.
"Đầu tiên, tôi phải học cách từ chối. Thay vì cặm cụi với hàng loạt nhiệm vụ từ sếp, tôi chỉ nhận khối lượng công việc vừa đủ, sau đó sắp xếp theo thời gian biểu nhằm tối ưu hiệu quả làm việc. May mắn thay, giờ đây tôi thấy mọi khía cạnh cuộc sống được cải thiện nhờ điều này", anh chia sẻ.
Tương tự Trung Nhật, Nhật Vy (24 tuổi, TP.HCM) cũng từng chạy theo guồng công việc hối hả.
Cấp trên liên tục giao nhiệm vụ, cá nhân cô lại cố gắng ôm đồm. Kết quả, cô kiệt sức trong khi không còn một chút thời gian cho gia đình, bạn bè và chính bản thân mình.
"Sau vài năm đi làm, tôi nhận thấy rõ sự bận rộn không hề đại diện hay minh chứng cho thành công. Đối với tôi, nhân sự có năng lực là người có thể cân bằng và quản lý thời gian. Không ai làm việc hiệu quả liên tục nếu không dành thời gian để tái tạo năng lượng và nghỉ ngơi", cô bộc bạch.
Nếu như Trung Nhật có quy tắc chỉ làm việc 5 ngày/tuần, Nhật Vy lại linh hoạt hơn.
Cô cho biết tùy vào tính chất công việc sẽ phân bổ thời gian phù hợp.
Ví dụ, nếu dự án gấp gáp, đòi hỏi về trễ hoặc tăng ca vào cuối tuần, cô sẽ vẫn đồng ý. Tuy nhiên, sau đó, cô yêu cầu được nghỉ ngơi dài ngày.
"Công việc có những giai đoạn nước rút, cần cường độ làm việc cao. Nhưng tôi chỉ 'gói' sự bận rộn đó vào một khoảng thời gian nhất định mà thôi. Sau đó, tôi sẽ xả hơi bằng một chuyến du lịch. Lúc này, tôi nghĩ cấp trên cần thấu hiểu và tạo điều kiện", cô nói.
Cần hiệu quả
Đó là chia sẻ của Bảo Khánh (co-founder & CEO của một start-up tại TP.HCM) về cách thức làm việc của nhân sự.
Theo anh, nhân viên của mình có thể bận rộn hoặc nhàn rỗi, thậm chí tự lựa chọn thời gian làm việc trong tuần. Tuy nhiên, họ đều cần đảm bảo hiệu suất công việc và không gây ảnh hưởng đến tập thể.
"Tôi không đánh giá nhân viên dựa trên số giờ làm hay sự bận rộn. Thứ duy nhất tôi cần là kết quả", anh nói, cho biết thêm công ty mình khuyến khích nhân viên làm việc theo mô hình hybrid working (kết hợp làm việc tại văn phòng và từ xa).
Bảo Khánh cho rằng nhân sự trẻ ngày nay rất coi trọng việc cân bằng, bản thân anh cũng vậy. Từ góc độ nhà quản lý, anh nhận thấy việc đáp ứng nguyện vọng của nhân viên và hiệu quả công việc chung là một bài toán khó. Nhưng anh vẫn cố gắng theo đuổi xu hướng làm việc tự do nhằm giữ chân nhân viên của mình.
"Cân bằng công việc - cuộc sống không chỉ là việc riêng của nhân sự mà cần sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, nhà quản lý nhằm đảm bảo xây dựng môi trường làm việc lành mạnh. Tuy nhiên, khi được tạo điều kiện, nhân viên trẻ cần có tính kỷ luật cá nhân cao", anh chia sẻ.
Theo dữ liệu từ Monster được công bố vào tháng 5, 36% người lao động trẻ cho biết cứ vài lần một tuần sẽ nghĩ đến chuyện bỏ việc.
Nguyên nhân được xác định do sức khỏe tinh thần hoặc thể chất kém (24%), không thể linh hoạt thời gian, địa điểm làm việc (21%) và thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống (24%).
Khi sự cân bằng mới là thước đo, chuẩn mực của thành công, các chuyên gia nhận định rằng người lao động cần sắp xếp lịch trình làm việc và giải trí phù hợp.
Đơn giản nhất, họ hãy sử dụng hết ngày phép trong năm, dành thời gian đi du lịch hoặc nghỉ ngơi dài ngày.
Nhân sự cũng có thể tắt các thiết bị điện tử sau giờ làm, đề nghị chia sẻ công việc khi quá tải hoặc chí ít là nói ra nếu cần sự giúp đỡ.
Còn từ góc độ doanh nghiệp, theo chuyên gia, việc chú trọng vào kết quả sẽ tốt hơn nhiều so với việc bới móc lỗi lầm. Cấp quản lý cần đưa ra quy trình làm việc linh hoạt, cho phép nhân sự tự quản lý thời gian của chính mình.
Ngọc Anh (trưởng phòng kinh doanh tại một công ty lĩnh vực thời trang thể thao tại TP.HCM) có quan điểm tương tự Bảo Khánh. Cô cho rằng đã xa rồi giai đoạn sếp bắt buộc nhân viên phải làm việc cật lực, bán sức. Điều họ quan tâm là hiệu quả công việc và môi trường làm việc thoải mái, nhiều cảm hứng.
"Ai cũng mong mỏi sự cân bằng, tôi cũng vậy. Vì lẽ đó, tôi không muốn nhân viên của mình bận rộn tối ngày mà không dành thời gian cho việc giải trí. Tinh thần thoải mái mang lại hiệu quả công việc cao hơn hẳn so với sự tất bật vô nghĩa", cô bày tỏ.
Tuy nhiên, cô cũng nhận định nhân sự cần có tính tự giác cao nhằm đảm bảo công việc chung.
"Tôi hy vọng nhân viên của mình hiểu rõ khái niệm 'cân bằng'. Nếu sự tự do của họ khiến bộ phận bị ảnh hưởng, không đảm bảo tiến độ, tôi sẽ nhắc nhở để họ xem xét lại 'cán cân' nhu cầu của mình".