Gần 1h sáng, Nguyễn Nguyệt (25 tuổi, nhân viên truyền thông) lướt một vòng các hội nhóm làm đẹp mà mình tham gia. Thấy một thành viên đăng hỏi tip trị quầng thâm mắt, Nguyệt háo hức bấm vào đọc từng bình luận bởi topic này chạm đúng “nỗi đau” của cô.
“Không có cách nào đâu, dùng kem che khuyết điểm thôi”, “Ngủ đi bạn, thức tới 2h sáng thì thuốc nào trị nổi thâm mắt”, “Đi ngủ sớm! Đi ngủ sớm! Đi ngủ sớm! Điều quan trọng phải nhắc lại 3 lần”, những dòng bình luận hài hước khiến cô vừa thấy bế tắc, vừa bật cười.
Giống như Nguyệt, nhiều người trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn khi sợ đôi mắt thâm quầng nhưng không thể nào ngủ sớm. Họ chấp nhận thức tới nửa đêm để tìm kem trị thâm mắt nhưng từ chối thay đổi thói quen sinh hoạt.
Chi tiền triệu mua kem trị thâm mắt
Khoảng 3 năm nay, từ khi bắt đầu đi làm, Nguyệt bắt đầu rối loạn giấc ngủ. Khoảng 1 năm gần đây, khi thành quản lý một nhóm nhỏ, những đêm thức chạy deadline bắt đầu tăng lên. Quầng thâm mắt của cô cũng ngày càng rõ.
Đặc thù công việc trong ngành truyền thông không rạch ròi thời gian làm theo giờ hành chính, Nguyệt đã quen với chuyện bị sếp tag tên trong nhóm làm việc bất cứ lúc nào, kể cả là nửa đêm.
Điện thoại của cô luôn trong chế độ online để không bỏ lỡ bất kỳ tin nhắn quan trọng nào. Dù đã hoàn thành công việc, cô luôn phải túc trực để sẵn sàng xử lý, bổ sung yêu cầu còn thiếu.
"Lúc đi làm, mình sợ nhất là sếp tag tên nửa đêm mà sáng ra mới check".
Ban ngày, công việc bận rộn, cô chỉ có thể giải trí, tán gẫu với bạn bè vào buổi đêm. Thức đêm xem điện thoại giờ trở thành thói quen khó bỏ.
“Dần dần, mình không thể nào đi ngủ sớm được dù chẳng có việc gì. Lên giường nằm từ 23h, mình sẽ bắt đầu lướt Facebook qua Instagram, nhắn tin với bạn bè rồi xem Tik Tok mấy tiếng liền. Kết quả, sáng hôm sau, mình luôn thức dậy với đôi mắt mệt mỏi. Che khuyết điểm mắt giờ là vật bất ly thân”, cô nói với Zing.
Cuối tuần, thay vì ngủ sớm, Nguyệt lại "tự thưởng" cho bản thân khoảng thời gian riêng.
Đêm thứ 7, cô thức trắng đêm để "cày" những bộ phim yêu thích, rồi dành cả sáng lẫn chiều ngày nghỉ để ngủ. Vòng luẩn quẩn lặp lại khi tới đêm chủ nhật cô lại "tỉnh như sáo".
Hành trình tìm cách dưỡng vùng da mắt của cô nàng không phải mới một sớm một chiều. Nguyệt đang tham gia không dưới 10 hội nhóm chia sẻ bí quyết làm đẹp.
“Mình đã thử vô số cách học được trên mạng, từ massage, đắp cà chua, dưa leo, đến dùng mặt nạ mắt, gel, kem đặc trị và serum… Đến nay cũng chi trên 10 triệu tiền mỹ phẩm riêng cho mắt”.
Hoàng Ánh Hảo (27 tuổi, nhân viên bán hàng) vừa chi gần 2 triệu đồng, bằng 1/4 tháng lương, để order một lọ serum trị thâm mắt của thương hiệu có tiếng.
“Xót tiền lắm, nhưng nghe mọi người dùng xong review tốt nên mình rất muốn thử. Mua lọ dưỡng mắt xong là tháng này mình phải cắt xén khoản khác, không nghĩ tới chuyện mua quần áo hay sắm linh tinh. Mình đã chi kha khá để trị thâm mắt nhưng đều không hiệu quả, mong lần này bỏ tiền xứng đáng”.
Ánh Hảo cho biết mắt cô bị quầng thâm nặng, một phần do cơ địa, một phần lớn do thói quen thức đêm.
Do công việc bán hàng không cố định thời gian, nhiều hôm có chương trình khuyến mãi phải ngồi "chốt đơn" xuyên đêm, nên Hảo mắc chứng khó ngủ trầm trọng.
"Có nhiều khách thường lên xem đồ, nhắn tin hỏi tư vấn lúc 1-2h sáng. Mình luôn nhiệt tình rep luôn để giữ khách, có khi đợi đến mai họ đổi ý chẳng mua nữa".
Giống nhiều cô gái khác, Hảo cũng rơi vào vòng luẩn quẩn thức đêm.
“Mọi người đều khuyên là phải đi ngủ sớm mới có thể cải thiện tình hình, nhưng cố gắng mình vẫn không làm được. Mỗi lần nhìn lên đã thấy 1-2h đều giật mình. Khi đó, có tắt máy thì cũng phải trằn trọc cả tiếng nữa mới ngủ, có hôm thức trắng”.
Vòng luẩn quẩn
Từ sau đợt giãn cách vì dịch, Lê Minh Hà (23 tuổi, sống tại TP.HCM) rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ. Căng thẳng kéo dài cũng khiến cô mất ngủ hơn một năm nay.
“Ban ngày tôi luôn mệt mỏi, buồn ngủ, cơ thể lờ đờ vì thiếu ngủ. Tới đêm, gần giờ đi ngủ, tôi lại tỉnh táo. Cả năm nay, số ngày tôi đi ngủ trước 0h chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Làm content freelance nên Minh Hà thường không thể rạch ròi thời gian riêng cho bản thân, bất kể sáng hay tối đều là thời gian làm việc.
"Đêm mất ngủ, tôi mất luôn buổi sáng hôm sau vì không dậy nổi. Vì thế tôi chỉ bắt đầu làm việc sau giờ ăn trưa. Lịch trình lặp lại khiến tôi rơi vào vòng luẩn quẩn thức đêm, ngủ ngày".
Minh Hà nhiều lần cố gắng đi ngủ sớm: khoảng 11h, cô tắt điện thoại và để cách xa giường ngủ. Tuy nhiên, vì đã quen giấc, cô vẫn nằm trằn trọc tới quá nửa đêm. Kiên trì khoảng 2 tuần, cô lại tiếp tục thói quen cũ.
Còn Nguyễn Minh Thư (29 tuổi, nhân sự phát triển sản phẩm kinh doanh) thì tìm đến thẩm mỹ, tiêm giảm thâm mắt.
"Đêm mất ngủ nhưng sáng ra vẫn phải tươi tắn để đi làm, tôi chọn giải pháp nhanh chóng là kết hợp bắn laser, tiêm giảm thâm. Cả liệu trình kéo dài 4 buổi, chi phí khoảng 30 triệu. Vẫn biết lâu dài phải chỉnh lại thói quen sống, tập ngủ sớm nhưng nói thì dễ hơn làm rất nhiều", Thư kể.
"Trả thù giấc ngủ"
Ở Việt Nam, thống kê năm 2019 cho thấy tỉ lệ người dân bị mất ngủ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh chiếm 10-20%.
Theo nghiên cứu khảo sát tình trạng mất ngủ tại TP.HCM, có khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và khoảng 30% bệnh mất ngủ có liên hệ bệnh tâm thần.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bác sĩ cho biết số lượng người đến khám vì mất ngủ chiếm tỷ lệ khoảng 15%, tuy nhiên bệnh mất ngủ còn được phát hiện khi người bệnh đến khám vì các nguyên nhân khác (tỷ lệ khoảng 35-40%).
Tới năm 2021, theo công bố nghiên cứu về giấc ngủ của Tạp chí Y học Việt Nam, bệnh nhân mất ngủ có độ tuổi trên 30 chiếm tỷ lệ cao (90%). Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới. Chứng mất ngủ gặp ở đối tượng lao động trí óc và lao động tự do (91,7%), hầu hết đã có gia đình. Thời gian mắc bệnh từ 3 tới 6 tháng chiếm tỷ lệ cao (63,3%). Các nguyên nhân gây mất ngủ bao gồm áp lực công việc, mâu thuẫn gia đình, tổn thất kinh tế.
Từ năm 2020-2021, trong giai đoạn TP.HCM là tâm dịch Covid-19, vấn đề mất ngủ liên quan trực tiếp tới thời gian lockdown, mất người thân, cảm xúc bất an và căng thẳng vì dịch bệnh.
Thực tế, Minh Hà hay Nguyễn Nguyệt đang rơi vào hiện tượng revenge bedtime procrastination (RBP) - thức khuya, lấy “giờ ngủ” để trả thù cho khoảng thời gian bận rộn trong ngày.
Hiểu đơn giản, RBP mô tả cách một người chủ động thức khuya để tìm cảm giác tự do - thứ họ không có khi quá bận vào ban ngày.
RBP bắt đầu bằng những thay đổi rất nhỏ trước giờ ngủ. Đến khi nhận ra, thường họ đã hình thành thói quen ngủ muộn, thậm chí thức đến sáng dù không có việc gì quan trọng.
Hiện tượng "trả thù giấc ngủ" đang trở thành "đại dịch" lan rộng trong giới trẻ trên toàn thế giới. Khảo sát về giấc ngủ trên 11.000 người tại 12 quốc gia của tập đoàn Phillips vào năm 2019 cho thấy 62% người trưởng thành không ngủ đủ giấc.
Tại Trung Quốc, mất ngủ thậm chí trở thành vấn nạn quốc gia khi có khoảng 300 triệu người mắc chứng rối loạn giấc ngủ, trong đó đa phần là người trẻ.
Cuộc khảo sát của CNA với thanh thiếu niên Singapore cho thấy 55% người được hỏi cho biết họ phải vật lộn với giấc ngủ trong 2 năm qua.