Ngày 14/4, UBND Đà Nẵng tổ chức họp báo quý I/2023, thông tin về những vấn đề mà người dân, dư luận quan tâm. Đại diện các cơ quan báo chí đặt vấn đề nguyên nhân khiến địa phương bị tụt hạng trên bảng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.
Cụ thể, theo kết quả công bố Chỉ số PCI 2022, Đà Nẵng xếp thứ 9 toàn quốc, với 68,52/100 điểm. Trong khi đó, những năm trước đó, gần nhất là năm 2018, 2019, 2020, Đà Nẵng luôn đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng.
Bên cạnh đó là tình trạng doanh nghiệp giải thể, nợ lương và nợ tiền bảo hiểm xã hội của người lao động.
Khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn
Ông Lê Minh Tường, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng, thừa nhận sau nhiều năm chống chọi với đại dịch Covid-19, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn lực của thành phố chưa được khơi thông, khiến việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án còn hạn chế, đặc biệt là dự án liên quan các kết luận thanh tra của Trung ương.
Theo ông Tường, để tháo gỡ khó khăn trên, Đà Nẵng đốc thúc lãnh đạo sở, ngành thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, địa phương đã báo cáo Trung ương xem xét, tháo gỡ vướng mắc. "Thành phố sẽ rà soát từng chỉ số thành phần PCI, từ đó các ngành rút kinh nghiệm để đẩy nhanh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, ông Tường chia sẻ.
Nói về tình trạng doanh nghiệp nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trên địa bàn thành phố tăng cao trong quý I/2023, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết sau đại dịch, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn nên nhiều đơn vị phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Đó là nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng trong những tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể chủ yếu ở quy mô nhỏ. Số lượng lao động từ 5-30 người, không kham nổi chi phí thuê mặt bằng và trả lương nhân viên.
Lĩnh vực tạm ngừng, giải thể tập trung chủ yếu các nhóm ngành: Buôn bán, bán lẻ; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú, ăn uống; tư vấn, thiết kế, quảng cáo; các dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, khó khăn dòng tiền đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Dòng vốn lại đang cạn kiệt, lãi suất tăng cao, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, sức ép lạm phát, tăng chi phí sản xuất. Nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu sụt giảm đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn, nhất là doanh nghiệp phụ thuộc xuất khẩu và nhập khẩu; doanh nghiệp nhỏ lệ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay.
Xe buýt chỉ có người bán vé và tài xế đi
Thông tin về tình trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP Đà Nẵng, cho biết thời gian qua, trên địa bàn có Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 (đơn vị vận hành hệ thống xe buýt tại TP Đà Nẵng) và Công ty TNHH Emprie Hospitality (chủ đầu tư dự án Cocobay) thường xuyên xảy ra tình trạng nợ BHXH của người lao động.
"Chúng tôi đã xử phạt nhiều đơn vị nhưng một số doanh nghiệp vẫn chây ỳ trong việc nộp. Sở LĐTB&XH Đà Nẵng được giao chủ trì cưỡng chế doanh nghiệp nợ BHXH nhưng rất khó thực hiện", ông Hoàng nói.
Nói rõ hơn về vấn đề trên, Giám đốc Sở LĐTB&XH Đà Nẵng nêu dẫn chứng Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 liên tục nợ BHXH nhiều năm nay.
Điều đáng nói, doanh nghiệp này đang được TP Đà Nẵng đang trợ giá cho hệ thống xe buýt nhưng vẫn nợ lương người lao động triền miên.
"Qua kiểm tra, mảng xe buýt không có ai đi, chỉ có người bán vé và tài xế thôi", ông Hoàng thông tin và nói rằng Sở Giao thông Vận tải phải tính toán lại hệ thống xe buýt để hoạt động có hiệu quả.