Tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" do Báo Người Lao động tổ chức sáng ngày 13/12, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, đã có những chia sẻ về nguồn vốn tín dụng từ nay đến cuối năm.
Ngân hàng "gồng" vốn cho doanh nghiệp
Theo ông Quang, nguồn vốn của nền kinh tế không chỉ có vốn tín dụng ngân hàng mà còn nhiều kênh khác, quan trọng là nguồn vốn nào sẽ trở thành kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, các nguồn vốn quan trọng như vốn tự có của doanh nghiệp tạo đòn bẩy rất lớn cho doanh nghiệp phát triển; kênh trái phiếu doanh nghiệp có quy mô lên đến 1,8 triệu tỷ đồng là kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng, mang lại nguồn vốn bền vững, ổn định, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn. Do đó, có nhiều giải pháp giúp khơi nguồn vốn trung dài hạn này, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và kết nối giữa các nguồn này là nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Quang cũng lưu ý rằng, hiện nay, ngành ngân hàng có tổng nguồn vốn ngắn hạn trên 80% và 20% còn lại là vốn tự có cùng các nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, ngành ngân hàng đang phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nền kinh tế là trung và dài hạn.
Con số này cho thấy ngành ngân hàng đang chạy với biên độ chênh lệch rất lớn về mặt kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Điều này dẫn đến hai rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng, đó là rủi ro về thanh khoản và rủi ro chi trả cho người gửi tiền.
"Nếu dòng tiền luân chuyển không tốt, nợ xấu phát sinh sẽ không có tiền trả nợ đến hạn 6 tháng cho người gửi tiền. Đây là rủi ro lớn nhất mà ngành ngân hàng quan ngại. Một rủi ro nữa là rủi ro lãi suất. Lãi suất ngắn hạn biến động liên tục, trong khi đó lãi suất cho vay trung dài hạn thường 1 năm theo hợp đồng mới điều chỉnh. Và trong quá trình kinh doanh này, ngân hàng đối mặt rất nhiều rủi ro lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng cao, môi trường lãi suất có biến động lớn như giai đoạn hiện nay", ông Quang nhấn mạnh.
Rõ ràng là các kênh dẫn vốn và nguồn vốn chảy vào bể nước đang nghẽn. Nguồn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế là đầu tư công nhưng vài năm trở lại đây Chính phủ rất quyết liệt thúc đẩy đầu tư công nhưng kết quả giải ngân chậm nên sự lan tỏa vốn từ đầu tư công ra nền kinh tế rất chậm, dẫn đến vòng quay tiền tệ của ngành ngân hàng cũng chậm theo.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ
Do đó, vị Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, Ngân hàng Nhà nước có chức năng in tiền, còn ngân hàng thương mại có chức năng tạo tiền (huy động tiền gửi của người dân để cho vay), và quá trình tạo tiền này càng nhanh thì mạch máu của nền kinh tế càng lưu thông tốt hơn. Muốn vậy, phải có tiền để huy động trong đó nhất là từ đầu tư công nhưng thời gian qua rất khó khăn.
Thế nhưng, từ đầu năm đến giờ, kênh dẫn vốn lớn nhất đang chảy ra nền kinh tế là kênh tín dụng ngân hàng. Tín dụng tăng trưởng đến nay là trên 12%, mang lại gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế trong năm nay.
"Nói để thấy, vai trò của ngành ngân hàng trong thời gian qua đóng vai trò rất lớn cho sự phục hồi và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Dù vậy vẫn chưa đủ vì nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn", ông Quang thẳng thắn nói.
Không thể hạ chuẩn tín dụng
Thực tế, nếu nhìn ở góc độ người điều hành như Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này ngoài mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, một trong những nhiệm vụ quan trọng khác còn là bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền và ổn định kinh tế vĩ mô qua chỉ số lạm phát.
Năm 2022, lạm phát có thể khẳng định là về đích dưới 4%, Chính phủ hoàn toàn tự tin với bối cảnh hiện nay. Nhưng, nhìn sâu vào lạm phát và CPI, lạm phát lõi và lạm phát cơ bản, đang thể hiện các yếu tố đáng quan ngại.
Lạm phát lõi là lạm phát do nhiều nhân tố tiền tệ; lạm phát phi lõi là do yếu tố phi tiền tệ như giá cả hàng hóa do nhà nước quản lý… sẽ tác động rất lớn tới vòng 2 của giá hàng hóa, giá nhập khẩu do độ mở lớn của nền kinh tế. Đây là câu chuyện đau đầu cần lưu ý.
Ngoài ra, lạm phát cơ bản cũng tăng rất nhanh. Tháng 1/2022 chỉ tăng 0,66% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng đến tháng 11/2022 đã tăng lên 4,81% so cùng kỳ năm 2021 và dự kiến tháng 12 có thể tăng trên 5%. Do đó, việc điều hành năm 2023 sẽ không thể chủ quan, lơ là với rủi ro lạm phát.
Với áp lực như vậy, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, Ngân hàng Nhà nước vừa nới room 1,5%-2% trên chỉ tiêu 14% để tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt trên 15,5-16%. Như vậy, chỉ còn khoảng 3 tuần cuối tháng 12 để hệ thống ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế từ 3,5%-4%.
Đây là rất thách thức. Làm sao để ngành ngân hàng "tiêu" 300.000 - 400.000 tỷ đồng dù nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế rất lớn. Vì tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, họ cho vay trên các điều kiện, điều khoản cho vay, không thể hạ chuẩn, cho vay những doanh nghiệp đang lỗ…
"Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại phải "đốt đuốc" đi tìm doanh nghiệp tốt. Không chỉ một ngân hàng mà nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng. Còn ngành ngân hàng khẳng định vốn tín dụng không thiếu. Vì room tín dụng 3,5-4% trong 3 tuần cuối năm là cực kỳ nhiều, vì thống kê tháng 12 hàng năm thường chỉ cần từ 2-2,2% room tín dụng. Các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí", ông Quang chia sẻ.
Nói thêm về câu chuyện là giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần tìm tiếng nói chung, ông Quang cho biết, thời gian qua, Ngân hàng nhà nước tổ chức rất nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung.
Mới đây, Thống đốc đã tham dự hội nghị rất lớn kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trong lĩnh vực gạo, thủy sản ở Cần Thơ. Qua những hội nghị đó, tiếng nói của ngân hàng và doanh nghiệp gặp gỡ nhiều hơn. Và Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, trong đó có 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có hoạt động xuất khẩu lãi suất chỉ 5,5%/năm và tất nhiên doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được.