Gỗ là nguyên liệu chính để sản xuất ra giấy. Vì vậy, ngành công nghiệp giấy vẫn gắn liền với phát triển lâm nghiệp bền vững.
Lâm nghiệp là nơi bắt đầu
Hiện tại, hầu hết gỗ được sử dụng để xây dựng và sản xuất. Cơ quan Nghiên cứu rừng thuộc Ủy ban Lâm nghiệp của Vương quốc Anh ước tính vào năm 2021, 6,3 triệu tấn gỗ công nghiệp, chiếm 56% tổng số gỗ của toàn nước Anh, đã được giao cho các xưởng cưa để chế biến thành gỗ xẻ. Chỉ có 400.000 tấn, chiếm 3,6%, được chuyển đến các nhà máy giấy và bột giấy.
Trong khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều thứ đình trệ thì ngược lại, đã tạo ra nhu cầu lớn về cải thiện nhà ở. Tờ Financial Times đã đăng tải vào năm 2021 rằng mặc dù nhu cầu sửa sang nhà cửa đã hạ nhiệt khi các lệnh phong toả được bãi bỏ, "các nhà môi giới gỗ dự đoán giá gỗ vẫn còn cao trong nhiều năm" do "nhu cầu mua nhà mới tăng mạnh".
Và đó là nhận định vào tháng 6/2021 - vài tháng trước khi căng thẳng Nga - Ukraine nổ ra càng khiến giá gỗ tăng cao hơn nữa. Ukraine là quốc gia cung cấp 10% gỗ mềm cho châu Âu còn Nga là nước cung cấp 22% nguồn cung gỗ toàn cầu.
Theo một báo cáo về nguồn cung gỗ quốc tế do tạp chí thương mại Packaging Europe viết, vào năm 2021, Nga, Belarus và Ukraine cùng chiếm 25% hoạt động buôn bán gỗ của thế giới. Từ sau xung đột Nga - Ukraine nổ ra đã cắt giảm mạnh xuất khẩu gỗ của Nga.
Theo trang The Age của Australia, giá gỗ đã tăng gần 40% trong ba năm qua và xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá sản phẩm gỗ từ Nga tăng thêm 25% trong năm nay. Công ty nghiên cứu công nghiệp IBIS World cũng cho biết giá gỗ của Vương quốc Anh vào năm 2022 đã tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 51% so với năm 2018.
Cạnh tranh giấy từ các ngành công nghiệp khác
Trong khi gỗ được đưa đến các nhà máy giấy để nghiền ra bột giấy thì không phải toàn bộ số bột giấy này đều phục vụ để sản xuất giấy tiêu dùng và cho ngành xuất bản. Kyle Jardin, một nhà kinh tế học kiêm quản lý khu vực Bắc Ireland của Liên đoàn Công nghiệp In nước Anh, nói với Press Gazette: “Không phải toàn bộ bột giấy đều được dùng để sản xuất giấy. Các nhà máy giấy đang có nhiều lựa chọn khác hấp dẫn hơn như sản phẩm sinh học hay bao bì. Từ vài năm trước đây, những sản phẩm như bao bì có sức hấp dẫn vì sự phát triển của Amazon và dịch vụ giao hàng tận nhà. Một số nhà sản xuất giấy đã quyết định cắt giảm cơ sở sản xuất giấy của họ để chuyển sang sản xuất các loại bao bì khác hoặc hướng tới sản phẩm sinh học”.
Và dịch Covid-19, trong khi làm giảm nhu cầu về các ấn phẩm giấy, càng khiến ngành giấy khó khăn hơn. Vào tháng 2 năm 2021, SCA, một nhà sản xuất giấy lớn, đã rời khỏi thị trường giấy đồ họa, với lý do nhu cầu giảm từ 30% đến 40% vì đại dịch Covid-19. Theo đó, 800.000 tấn giấy đã rời khỏi thị trường.
Vào tháng 6 cùng năm, với lý do nhu cầu thấp, nhà sản xuất giấy Phần Lan Stora Enso đã đóng cửa nhà máy Veitsiluoto chính của mình, nơi trước đây đã sản xuất loại giấy theo yêu cầu của các tạp chí bóng bẩy. Lệnh đóng cửa này rút đi 260.000 tấn giấy trên thị trường.
Và vào tháng 9/2021, công ty này đóng cửa một nhà máy khác tại Kvarnsveden, làm giảm thêm 565.000 tấn giấy phục vụ tạp chí và in báo mỗi năm.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kể nhu cầu giao hàng tận nhà và kéo theo đó là số lượng bao bì giấy cần thiết phục vụ nhu cầu này.
Liên đoàn Công nghiệp In ấn Anh (BPIF) đã công bố nghiên cứu vào tháng 8 năm nay cho thấy Vương quốc Anh vào quý I năm nay đã tiêu thụ bao bì giấy nhiều hơn 12,4% cùng kỳ năm trước.
Và cũng có những vấn đề biến động khác: Như vào cuối năm 2021, công đoàn các nhà sản xuất giấy của Phần Lan đã đình công 112 ngày, làm giảm 50% sản lượng giấy phục vụ in tạp chí của châu Âu và cả nguồn cung cho các nhà xuất bản Mỹ. Tại các nước Scandinavia, nơi tình trạng thiếu hụt giấy trầm trọng nhất, các tạp chí thậm chí được in trên giấy báo và không có bìa.
Chi phí năng lượng cao
Đà tăng giá năng lượng hiện nay cũng đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành giấy. Mọi công đoạn của quy trình sản xuất giấy - đốn hạ cây, vận chuyển về nhà máy, nghiền chúng thành mảnh vụn để sản xuất đều sử dụng rất nhiều năng lượng.
Theo một khảo sát của BPIF vào tháng 7 năm nay, khoảng 68% công ty trong ngành in coi chi phí năng lượng tăng là mối quan tâm hàng đầu, theo sau đó là giá giấy tăng. Nhiều máy in đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu hiện tại, nhưng công suất của các đơn vị này cũng đang bị hạn chế bởi sự thiếu hụt lao động và các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Một số nhà in đang bị ảnh hưởng bởi khoản phụ phí năng lượng từ 200 euro đến 300 euro vì giá năng lượng biến động quá nhanh. Hiện các đơn đặt hàng chỉ được đặt với các nhà máy trước 30 ngày giao hàng - giảm rõ rệt so với hai năm trước khi các hợp đồng có thể được ký kết trước đó sáu tháng.
Riêng đối với giấy in báo tại Anh, cũng như một số nước châu Âu khác, thì có thêm một vấn đề nữa là quá trình vận chuyển. Bên cạnh chi phí nhiên liệu tăng cao, phần lớn bột giấy tái chế được sử dụng cho hoạt động báo chí Anh đến từ Trung Quốc. Do vậy, các bên liên quan phải phụ thuộc vào việc di chuyển trên các con tàu vốn đã nổi tiếng vì giá cả đắt đỏ kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Thêm vào đó, các hàng hóa quốc tế như bột giấy, mực in, hóa chất … đều được định giá bằng đô la Mỹ. Điều này đang khiến mọi nhà sản xuất giấy và ngành xuất bản bên ngoài nước Mỹ đau đầu vì giá đô la Mỹ cũng liên tục tăng.
Một nguồn tin trong ngành giấy Anh chia sẻ với trang Press Gazette rằng giá các mặt hàng này đã tăng 75% vào năm ngoái.
Khi nào giá giấy giảm trở lại?
Trong khi nhiều nhà máy giấy đã phải đóng cửa và thị trường vẫn còn nhiều bất ổn, chưa rõ khi nào giá giấy sẽ về mức ổn định. Một nguồn tin trong ngành giấy Anh cho biết: "Tình hình vẫn còn khó dự đoán".
Hiện tại, các nhà xuất bản có một số lựa chọn để cố gắng vượt qua thời điểm này: Họ có thể giảm chất lượng giấy cần dùng, giảm độ dày và kết cấu giấy. Họ cũng có thể giảm số lượng giấy cần in và phân trang.
Và nhiều nhà xuất bản cũng có thể chuyển áp lực chi phí họ phải chịu sang cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi tăng giá sản phẩm quá mức thì họ cũng có thể phải đối mặt với sự quay lưng của người tiêu dùng.