Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 3, tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đã vượt mốc 7 triệu tài khoản. Trong đó, gần 99,2%, tương đương trên 6,978 triệu tài khoản, là của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Trong những giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nhất của thị trường chứng khoán 2020-2021, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng khi chiếm trên 90% giá trị giao dịch.
Thua thiệt đủ đường
Dù đóng vai trò quan trọng trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân vẫn đang là nhóm đối tượng chịu nhiều rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là rủi ro từ các hành vi vi phạm của các thành viên khác trên thị trường.
Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, khi thị trường chứng khoán bùng nổ, kéo theo sự gia nhập của các nhà đầu tư cá nhân. Cùng với đó, hàng loạt hội nhóm, đội lái trên mạng xã hội ra đời với mục đích lôi kéo các nhà đầu tư mua - bán chứng khoán theo tin đồn.
Lợi dụng lòng tin, sự thiếu kiến thức của các nhà đầu tư F0, các hội, nhóm này liên tục hô hào, kêu gọi nhà đầu tư mua - bán cổ phiếu với mục đích lái giá, thu lợi bất chính.
Không chỉ đối mặt rủi ro bị lôi kéo, nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam do thiếu kiến thức, thông tin cũng trở thành con mồi cho tin giả, tin không chính xác, không đầy đủ, hoặc bị lôi kéo giao dịch các sản phẩm tài chính chưa được cấp phép.
Dù đã có quy định rõ ràng về việc bắt buộc báo cáo giao dịch của người nội bộ là các lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan, thị trường vẫn diễn ra không ít các vụ việc mua bán chui, mua - bán chứng khoán nhưng không báo cáo cơ quan quản lý, không công bố thông tin.
Cùng với đó, tình trạng bán chứng khoán ngoài sàn, mời chào giao dịch các sản phẩm phái sinh chứng khoán chưa được cấp phép vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo các chuyên gia, một số hạn chế trong việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân tại thị trường chứng khoán Việt Nam phải kể tới là chưa có văn bản thống nhất về bảo vệ nhà đầu tư; hình thức xử lý vi phạm chưa đảm bảo tính răn đe; chưa có quỹ, tổ chức đại diện bảo vệ nhà đầu tư…
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, cho biết các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân thiếu kiến thức là đối tượng chính của các hội nhóm, đội lái trên mạng xã hội thời gian qua.
Với tình trạng này, cơ quan quản lý chứng khoán đã nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, cần cẩn trọng khi tham gia vào các hội nhóm, trang web có dấu hiệu lừa đảo. Ủy ban Chứng khoán cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nhiều trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, để bảo vệ nhà đầu tư, bên cạnh công tác tuyên truyền, cơ quan quản lý sẽ tăng cường phối hợp với Cơ quan Công an để có biện pháp xử lý các trường hợp có dấu hiệu phạm tội; xử lý các trường hợp để làm răn đe, đảm bảo tính công bằng trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là với nhà đầu tư cá nhân.
“Ba nỗi đau” của nhà đầu tư cá nhân
Theo ông Đàm Thanh Hiệp, Founder kiêm CEO New World Group VN, nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán trong nước, nhưng thực tế nhóm đối tượng này lại đang chịu nhiều thiệt thòi so với các thành viên khác của thị trường.
Ông Hiệp cho rằng các nhà đầu tư cá nhân đang phải mang ba “nỗi đau lớn” khi tham gia thị trường tài chính, chứng khoán.
Cụ thể, “nỗi đau” đầu tiên của các nhà đầu tư cá nhân là muốn đầu tư nhưng không có ai hỗ trợ hay tư vấn, hoặc ủy thác đầu tư hiệu quả. Thực tế, hình thức ủy thác đầu tư đã phát triển mạnh tại các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới nhưng tại Việt Nam hình thức đầu tư này vẫn chưa được phổ cập.
Một trong ba nỗi đau của nhà đầu tư cá nhân là các nhà đầu tư trẻ, ở độ tuổi 20-30, có thời gian, ham học hỏi nhưng lại không có nhiều vốn, thiếu kinh nghiệm đầu tư thực tế
Ông Đàm Thanh Hiệp, Founder & CEO New World Group VN
“Các nhà đầu tư cá nhân không có nhiều thời gian và mảng đầu tư tài chính thì cũng không phải dành cho nhiều người ,vì thế họ cần kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm đủ lớn mới có thể tự đầu tư được”, ông Hiệp chia sẻ.
“Nỗi đau” thứ hai, theo ông Hiệp, với các nhà đầu tư có thời gian và muốn học đầu tư thì lại không có một học viện tài chính nào đứng ra tổ chức đào tạo chuyên nghiệp về giao dịch, đầu tư tài chính. Hiện nay, các chương trình đào tạo kiến thức đầu tư của các công ty chứng khoán mới dừng ở mức bài giảng khái niệm, giáo án trên lý thuyết và không có điều kiện để nhà đầu tư thực hành, trải nghiệm thực tế.
“Nỗi đau thứ ba là các nhà đầu tư trẻ, ở độ tuổi 20-30, có thời gian, ham học hỏi nhưng lại không có nhiều vốn, thiếu kinh nghiệm đầu tư thực tế”, CEO New World Group VN nhấn mạnh.
Với những lý do trên, ông Hiệp cho rằng để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, trước hết cần có một công cụ, tổ chức đào tạo nhà đầu tư về kiến thức thị trường.
“Để nâng cao kiến thức tài chính cho nhà đầu tư, phát triển thị trường chứng khoán trong nước. Hiện chúng tôi đang kết hợp với các trường đại học, cụ thể là Đại học Hoa Sen để có thể kết hợp đào tạo cho nhà đầu tư cá nhân và các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường hiểu về ngành tài chính”, ông Hiệp chia sẻ thêm.
Theo vị chuyên gia, việc đào tạo các bạn sinh viên đóng vai trò quan trọng để phát triển thị trường tài chính trong nước nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Bởi nhóm đối tượng này trong tương lai không chỉ trở thành các nhà đầu tư, giao dịch trên thị trường mà còn trở thành các chuyên gia tài chính chuyên nghiệp.