Tại chương trình “Tiêu điểm chứng khoán cuối tuần: Cẩn trọng với rủi ro biến động tỷ giá”, do công ty chứng khoán MB (MBS) tổ chức mới đây, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng MBS cho biết, trong suốt tháng 5 và tháng 6 tỷ giá USD/VND tương đối hài hòa và trầm lắng, song trong khoảng 1 tuần trở lại đây, tỷ giá lại có biến động khá mạnh. So với thời điểm thấp nhất hồi giữa tháng 5, tỷ giá đã tăng 1,3% và nếu so với đầu năm USD/VND đã tăng 0,8%. Mặc dù có những biến động mạnh, nhưng hiện tỷ giá vẫn chưa có nhiều ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô hay thị trường chứng khoán.
“Việc tỷ giá biến động dưới biên độ 1,5% dường như không có tác động đến thị trường chứng khoán hay nền kinh tế. Tuy nhiên, khi vượt ngưỡng 1,5-2,5%, tỷ giá sẽ gây áp lực lên nền kinh tế vĩ mô nói chung và một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nói riêng”, ông Tuấn nhận định.
Kinh tế trưởng MBS nhấn mạnh, dù tỷ giá vẫn đang trong tầm kiểm soát, song vẫn tồn tại nhiều yếu tố gây áp sức ép khiến Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra những chính sách tiền tệ chặt chẽ và định hướng thận trọng hơn để đảm bảo đồng nội tệ không mất giá cũng như ổn định vĩ mô.
Cụ thể, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ, trong khi Mỹ hay các quốc gia châu Âu vẫn kiên định với việc khống chế lạm phát và đưa ra các tuyên bố khá mạnh mẽ về việc tăng lãi suất. Đơn cử như Mỹ, dù lãi suất cao, song lạm phát tại quốc gia này vẫn chưa giảm về mức 2% như kỳ vọng của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED). Mặt khác, thị trường lao động của nước này vẫn đang phục hồi tích cực chính sách tiền tệ vẫn thắt chặt. Ngoài ra, FED vẫn đang để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm ít nhất 2 lần nữa từ nay đến cuối năm. Trong bối cảnh đó, tồn tại một khả năng, ngân hàng trung ương quốc gia này vẫn tiếp tục duy trì lãi suất cao và điều này có thể tiếp tục gây áp lực lên VND.
Ông Tuấn nói thêm, ở trong nước, thường quý III/2023, nhu cầu ngoại tệ của các đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ cao hơn so với thường nhật. Ngoài ra, các hợp đồng hoán đổi USD/VND vẫn đang cho thấy người nắm giữ USD đang có lợi hơn. Do đó, sức ép lên VND là không ít. Mặt khác, hiện kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 20% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm - một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Tỷ giá ảnh hưởng không ít đến suất sinh lời và kế hoạch kinh doanh của các đơn vị này. Do đó, đảm bảo giá đồng nội tệ ổn định là một trong những nội dung quan trọng mà nhà điều hành cần phải lưu ý. Từ tất cả các yếu tố trên, nếu tỷ giá chịu áp lực mạnh NHNN có thể sẽ đưa ra các chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.
“Nếu tỷ giá USD/VND vượt mốc 24.000đ, nhà đầu tư nên thận trọng đáng kể. Kinh nghiệm từ năm ngoái cho thấy, sức ép từ tỷ giá đã khiến Ngân hàng Nhà nước không thể duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng thời phải đưa ra các thông điệp thận trọng, chặt chẽ hơn. Thị trường chứng khoán hiện đang tăng trưởng dựa trên kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm xuống. Nếu trường hợp trên xảy ra, nhà đầu tư cần tái cơ cấu và đưa danh mục về trạng thái an toàn”, ông Hoàng Công Tuấn đánh giá.