Các chuyên gia đánh giá cao những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ và tin tưởng lạm phát năm nay sẽ quanh mức mục tiêu đề ra từ đầu năm. Đồng thời, các chuyên gia cũng kiến nghị các chính sách hỗ trợ cho DN cần được thúc đẩy nhanh hơn để giúp họ nhanh chóng phục hồi. Còn đối với nhà đầu tư, thời điểm này nên cân nhắc đầu tư vào những nhóm ngành cơ bản, thiết yếu và những nhóm cổ phiếu có cơ hội phục hồi sau dịch.
Đánh giá tác động của lạm phát đến người dân và DN, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội cho biết, đối với nền kinh tế nói chung, khi lạm phát gia tăng thì sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ chi phí tài chính cho đến khâu vận tải, vận chuyển cũng bị gia tăng, bởi sự tác động từ việc tăng giá xăng dầu. Nó làm ảnh hưởng đến chuỗi giá trị cung ứng ở trong khu vực và toàn cầu, mọi thứ sẽ bị hạn chế, bị đình đốn, rồi hàng tồn kho gia tăng dẫn đến nền kinh tế sẽ chịu tác động, ảnh hưởng về xuất khẩu.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 800.000 DN, trong đó có 98% là các DNNVV. Khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong hai năm trở lại đây, sức chịu đựng của DN đã vô cùng yếu, bị hàng tồn kho rất lớn, giờ đây nguyên liệu đầu vào cũng tăng giá gây tốn kém nhiều chi phí, sẽ ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh và sự chịu đựng của DN.
Việc giá tăng như vậy có thể khiến DN bị giảm doanh thu từ 5-10%, thậm chí có DN mất các đơn hàng vì khi ký kết hợp đồng đầu tư với đối tác ở một mức giá mà chưa tăng giá xăng, giá dầu, đến khi giá xăng dầu tăng sẽ dẫn đến không thỏa thuận được giá cả và có thể bị hủy hợp đồng. Khi không có hợp đồng cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động và thu nhập của người lao động tại DN.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) thì cho biết, trao đổi với các DN, nhất là những DN đang niêm yết thì họ cũng nằm trong một hoàn cảnh kinh tế giống như các DN còn lại, là mặt bằng giá nguyên vật liệu của năm nay đang cao hơn nhiều so với năm ngoái.
Có hai nhóm, nhóm thứ nhất liên quan đến các mặt hàng năng lượng như gas, xăng, dầu hay than đá đều tăng rất mạnh. Trong đó, giá dầu đã tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, than đá thậm chí còn tăng 2, 3 lần so với cách đây hơn một năm... đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới rất nhiều hoạt động kinh tế, vì gần như các hoạt động nào cũng sẽ cần sử dụng các dịch vụ logistics, vận chuyển. Như vậy, kể cả những DN không chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ chi phí vận chuyển gia tăng.
“Ngoài ra, những mặt hàng mà chúng ta thường gọi là phái sinh từ các sản phẩm năng lượng như nhựa, chất dẻo hay hóa chất đều có mức tăng không kém giá xăng và giá dầu, nó cũng ảnh hưởng đến đầu vào của rất nhiều DN. Một điểm quan trọng nữa là khi lạm phát gia tăng thì không chỉ có DN thiệt hại mà người tiêu dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng, sức cầu của người tiêu dùng suy giảm đi”, ông Long trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.
Để kiềm chế lạm phát được như mục tiêu Quốc hội đề ra, ông Mạc Quốc Anh cho rằng trước tiên các chính sách cần phải triển khai rất nhanh để DN hấp thụ được, đặc biệt là dòng chảy về tài chính, kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, phải kích cầu nội địa để tăng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Ngoài ra, về mặt tài chính, chúng ta nên ổn định lãi suất cho vay. Những DN nào có tài sản đảm bảo hoặc những phương án kinh doanh khả thi nên để ở lãi suất hợp lý từ để các DN có thể tiếp cận vốn.
“Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có rất nhiều các DNNVV tham gia trở thành những công ty đại chúng huy động vốn trên các sàn chứng khoán, bởi đây là kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả và hết sức minh bạch. Hiện nay, ở Việt Nam, các DN nhỏ đóng góp vào GDP là 42%, thu hút lực lượng lao động khoảng khoảng 50,5%. Chúng tôi mong muốn Chính phủ và Quốc hội có nhiều chính sách ban hành và thực thi một cách hiệu quả để họ đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế”, ông Anh nói.
Trong bối cảnh như vậy, các nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào cho hiệu quả? Với câu hỏi này, ông Trần Thăng Long cho rằng thực ra lạm phát tăng cao cũng chưa chắc đã là không tốt cho việc đầu tư. Bởi vì nhiều DN cũng có những thay đổi, họ tận dụng được cơ hội của việc giá cả gia tăng, thậm chí là vẫn gia tăng doanh thu.
Tôi nghĩ rằng vẫn có cơ hội cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, lạm phát cao là giai đoạn nhạy cảm đối với rất nhiều thị trường tài chính khác nhau, nên nhà đầu tư cũng cần phải đầu tư nhiều thời gian hơn để đánh giá lại những cổ phiếu, những DN mình đang nắm giữ xem có đúng là những DN đấy thuộc vào nhóm thiết yếu hoặc được hưởng lợi từ các xu hướng giá cả gia tăng hay không.
Nhóm ngành cơ bản, chẳng hạn như năng lượng, điện, nước, lương thực, thực phẩm, những ngành liên quan đến hóa chất, vật liệu là những nhóm ngành mà trong những giai đoạn giá cả tăng thì thường được hưởng lợi, do sản lượng của họ gia tăng theo, cộng với giá đầu ra cũng gia tăng tương ứng.
Ông Mạc Quốc Anh thì cho rằng trong thời gian tới, nhóm công nghệ thông tin, các công nghệ phần mềm, nhóm ngành du lịch, đặc biệt là các du lịch trải nghiệm, khi chúng ta đang có một bãi biển rất dài, 28 tỉnh ven biển, cũng như là ngành dệt may, da giày… sẽ có ưu thế. Các ngành đó cũng đều là các ngành chủ lực và mũi nhọn.