Theo dữ liệu của CoinMarketCap ngày 15/12 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã lao dốc mạnh từ mức cao nhất trong vòng một tháng. Tính đến 17h40, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 17.700 USD/đồng, giảm 0,78% so với một ngày trước đó.
Trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất điều hành 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 12, giá Bitcoin có lúc vọt lên 18.303 USD/đồng.
Việc Fed vẫn giữ quan điểm "diều hâu" đã đè nặng lên các tài sản rủi ro như Bitcoin.
Tin xấu với các tài sản rủi ro
Các thành viên FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - dự kiến giữ lãi suất ở mức cao trong năm tới và không giảm lãi suất cho đến năm 2024. Theo dot plot - biểu đồ thể hiện kỳ vọng lãi suất của từng thành viên FOMC, mức lãi suất cuối cùng của chu kỳ tăng được dự đoán là 5,1%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 142,29 điểm, tương đương 0,42%, còn 33.966 điểm.
Chỉ số S&P 500 mất mốc 4.000 điểm sau khi lao dốc 0,61%. Còn chỉ số Nasdaq ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ với 0,76%.
Một loạt thông tin tiêu cực của ngành công nghiệp cũng hủy hoại niềm tin của nhà đầu tư. Theo công ty phân tích blockchain Nansen, chỉ tính riêng trong ngày 13/12, 3 tỷ USD đã bị rút khỏi Binance - sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới.
Theo ông Andrew Thurman - Trưởng bộ phận Nội dung của Nansen, công ty đầu tư Jump Crypto được cho là đã rút một khoản tiền lớn từ Binance trong vài tuần qua. "Điều này khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ và tổ chức đầu tư lo lắng", ông Thurman nhận định.
CEO Binance Changpeng Zhao thừa nhận rằng có thời điểm khoảng 1,1 tỷ USD bị rút khỏi sàn giao dịch. Nhưng ông khẳng định trước đó, công ty từng trải qua những ngày tồi tệ hơn.
"Dòng tiền đang trở lại", ông khẳng định trong một cuộc trò chuyện trên Twitter Spaces hôm 14/12. Vị CEO cho rằng việc rút tiền là "hành vi rất bình thường của thị trường".
Rủi ro lan tỏa từ bê bối FTX
Theo ông Zhao, mọi người đều thất vọng vì sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX hồi tháng 11.
"Khi rơi vào cảnh thua lỗ bởi một ngân hàng, các vị sẽ nghĩ rằng mọi ngân hàng đều tồi tệ. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh", ông nói thêm.
Hôm 11/11, FTX chính thức đệ đơn phá sản lên tòa án Mỹ sau khi cạn kiệt thanh khoản, CEO Sam Bankman-Fried - người từng được coi là "người hùng tiền mã hóa" - từ chức ngay sau đó. Đến ngày 12/12, chính quyền Bahamas bắt giữ Bankman-Fried sau khi nhận được xác nhận chính thức về các cáo buộc chống lại ông này.
Khi rơi vào cảnh thua lỗ bởi một ngân hàng, các vị sẽ nghĩ rằng mọi ngân hàng đều tồi tệ. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh
CEO Binance Changpeng Zhao
Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã đưa ra các cáo buộc riêng đối với ông Bankman-Fried về tội danh vi phạm luật chứng khoán.
Những lo ngại về sức khỏe của thị trường tiền mã hóa đã đè nặng lên giá của các đồng tiền. Giá Bitcoin đã lao dốc hơn 60% kể từ đầu năm tới nay.
Binance cũng rơi vào tầm ngắm sau bê bối của FTX. Hôm 12/12, Reuters đưa tin các công tố viên Mỹ đang cân nhắc về việc buộc tội sàn giao dịch tạo điều kiện cho những hoạt động rửa tiền.
Trong một tuyên bố với CNN, Binance khẳng định các cơ quan quản lý đang "đánh giá sâu rộng đối với mọi công ty tiền mã hóa".
“Ngành công nghiệp non trẻ này đã phát triển nhanh chóng, và Binance thể hiện sự cam kết đối với bảo mật và tuân thủ thông qua các khoản đầu tư lớn vào đội ngũ, công cụ và công nghệ dùng để phát hiện và ngăn chặn những hành vi phi pháp", người phát ngôn của sàn giao dịch khẳng định.