Vào cuối tuần qua, Stellantis cho biết sẽ đầu tư khoảng 1,58 tỷ USD vào công ty khởi nghiệp xe điện Leapmotor, trong nỗ lực gia tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường khốc liệt Trung Quốc, theo CNBC.
Hai công ty cũng thành lập liên doanh Leapmotor International, nhằm thúc đẩy doanh số bán xe điện của startup Trung Quốc tại thị trường nước ngoài. Stellantis sẽ nắm 51% cổ phần trong liên doanh.
Công ty sở hữu nhiều thương hiệu xe nổi tiếng như Chrysler và Maserati, chia sẻ rằng khoản đầu tư sẽ mang lại khoảng 20% cổ phần và hai ghế hội đồng quản trị trong Leapmotor.
Được biết, Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, bị chi phối bởi đại gia nội địa như BYD, hay nhà sản xuất ô tô Hoa Kỳ Tesla. Cạnh tranh khốc liệt đang gia tăng từ các công ty khởi nghiệp trong nước như Nio, Xpeng và Li Auto, trong khi nhiều big tech như Xiaomi và Huawei cũng đang để mắt tới lĩnh vực xe điện.
Hầu hết nhà sản xuất xe truyền thống được cho là quá chậm chạp trong việc chuyển đổi sang sản xuất EV, cản trở tiềm năng tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc. Stellantis đã phải vật lộn để bán ô tô ở Trung Quốc và chỉ chiếm 0,3% thị phần tại nước này, theo số liệu chính thức từ công ty.
"Thỏa thuận thể hiện thiện chí hợp tác rõ ràng từ cả Stellantis và Leapmotor. Stellantis hưởng lợi bằng cách tăng cường sự hiện diện tại Trung Quốc, trong khi Leapmotor dễ dàng thâm nhập thị trường châu Âu hơn", ông Abhik Mukherjee, nhà phân tích tại Counterpoint Research, chia sẻ với CNBC qua email.
Định hình thương hiệu tại quốc gia tỷ dân
Thỏa thuận có thể thúc đẩy nỗ lực của Stellantis tại thị trường tỷ dân Trung Quốc, khi sở hữu một đối tác địa phương mở đường.
"Thông qua khoản đầu tư chiến lược, chúng tôi có thể giải quyết khúc mắc trong mô hình kinh doanh và hưởng lợi từ khả năng cạnh tranh của Leapmotor cả ở Trung Quốc và nước ngoài", Giám đốc Điều hành Stellantis Carlos Tavares cho biết trong một thông cáo báo chí mới đây.
Giống như nhiều startup EV Trung Quốc, Leapmotor đã tìm cách định vị thương hiệu là nhà sản xuất công nghệ đầu tiên. Công ty phát triển hệ thống lái xe bán tự động và kiến trúc xe độc quyền. Leapmotor cũng đang xây dựng năng lực tự sản xuất.
Đối với Stellantis, thỏa thuận vừa qua cho phép công ty tiếp cận với công nghệ và dấu ấn sản xuất của Leapmotor, từ đó cải thiện doanh số bán hàng tại Trung Quốc.
Leapmotor đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh ở nước ngoài
Mặt khác, hợp tác có thể hỗ trợ tham vọng trở thành nhà sản xuất EV toàn cầu của Leapmotor. Tháng trước, công ty đã tham dự triển lãm ô tô IAA tại Munich, sự kiện ô tô cao cấp của châu Âu, và công bố chiếc xe thể thao đa dụng C10. Trong hai năm tới, công ty cho biết có kế hoạch giới thiệu 5 sản phẩm "định hướng toàn cầu".
"Tất cả các sản phẩm tiếp theo của Leapmotor sẽ được thiết kế và phát triển với tư duy toàn cầu và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế", Giám đốc điều hành Leapmotor Zhu Jiangming cho biết tại cuộc họp báo thuộc khuôn khổ sự kiện.
Liên doanh quốc tế với Stellantis có thể giúp Leapmotor vươn tầm thế giới. Liên doanh độc quyền xuất khẩu và bán, cũng như sản xuất các sản phẩm của Leapmotor bên ngoài Trung Quốc. Những lô hàng ô tô đầu tiên của liên doanh sẽ bắt đầu được triển khai vào nửa cuối năm 2024.
Nhà phân tích Mukherjee đến từ Counterpoint cho biết hầu hết công ty ô tô Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức ở thị trường châu Âu "trong việc xây dựng niềm tin người tiêu dùng và thiết lập mạng lưới đại lý rộng lớn". Thỏa thuận có thể giúp Leapmotor mở rộng tệp khách hàng với mạng lưới sẵn có của Stellantis, "có khả năng cho phép bán hàng dưới thương hiệu Stellantis".
Tuy nhiên, các thỏa thuận giữa nhà sản xuất ô tô truyền thống và startup Trung Quốc không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, làm dấy lên nhiều lo ngại xung quanh khoản đầu tư lớn của Stellantis.
"Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã thức tỉnh khi nhận ra Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua xe điện. Thỏa thuận có thể được thực hiện nhằm giúp công ty thâm nhập vào công nghệ quan trọng, tuy nhiên không mang lại kết quả tốt trong ngành công nghiệp ô tô", ông Bill Russo, Giám đốc Điều hành công ty tư vấn đầu tư Automobility, khẳng định với CNBC.
Năm ngoái, một liên doanh giữa Stellantis và Công ty ô tô Quảng Châu nhằm sản xuất xe Jeep tại Trung Quốc đã nộp đơn xin phá sản.
Đối thủ nội địa gia tăng sức ép
Khoản đầu tư khổng lồ của Stellantis vào Leapmotor nhấn mạnh áp lực mà các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang phải đối mặt từ những người chơi Trung Quốc mới gia nhập với doanh số EV liên tục tăng.
Trước đó, vào tháng 7/2023, nhà sản xuất ô tô Đức Volskwagen đã đầu tư khoảng 700 triệu USD vào Xpeng, hãng xe điện nội địa Trung đang lên.
Nhiều công ty Trung Quốc bao gồm BYD do Warren Buffett hậu thuẫn đang tích cực mở rộng sang châu Âu, thách thức một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, như Mercedes và BMW, dù được coi là “chủ nhà”.
Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra về các khoản trợ cấp cho nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.
Trong quá khứ, Giám đốc Điều hành Tavares của Stellantis đã từng chỉ trích những chiếc xe giá rẻ của Trung Quốc đến châu Âu. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng thỏa thuận với Leapmotor có thể giúp công ty hưởng lợi. "Với thỏa thuận này, chúng tôi có thể hưởng lợi từ nó thay vì trở thành nạn nhân". Ông nói thêm rằng Stellantis không phải là "con ngựa thành Troy" cho Leapmotor vào châu Âu và chỉ trích cuộc điều tra của EU.
"Chúng tôi thích sự cạnh tranh. Bắt đầu một cuộc điều tra không phải là cách tốt nhất để giải quyết những khúc mắc còn tồn động", vị Giám đốc tuyên bố với Reuters.