Dự án xây mới Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng đã có chủ trương từ năm 2008 nhưng phải đến 9 năm sau, công tác tháo dỡ nhà thi đấu cũ mới được tiến hành.
Tuy nhiên hiện tại, khu đất vàng gần 15.000 m2 với 4 mặt tiền trên đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) vẫn là khu đất trống bị bỏ hoang, nằm lọt thỏm giữa trung tâm một thành phố sầm uất.
Đội vốn nghìn tỷ
Đây là một trong những dự án nhà thi đấu đầu tiên được Thủ tướng chấp thuận cho UBND TP.HCM thí điểm đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Chủ đầu tư là Liên danh Tổng Công ty CP Đền bù giải toả và Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt.
Những tưởng hình thức xã hội hóa này sẽ giải quyết được vấn đề vốn và đền bù giải phóng mặt bằng mà những dự án đầu tư công khác đang gặp phải, rốt cuộc nhà thi đấu Phan Đình Phùng lại bị "treo" vì vướng mắc trong khâu thanh toán.
Theo hợp đồng BT, dự án phải xây dựng trong vòng 24 tháng, nhưng chỉ cần Thành phố 'bấm nút', chúng tôi dự định hoàn thành trong 18 tháng
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt
Cụ thể, tổng vốn đầu tư ban đầu chỉ khoảng 100 tỷ đồng, nhưng theo thời gian, dự án bị đội vốn lên khoảng 1.353 tỷ đồng, rồi mới nhất năm 2016 là gần 1.954 tỷ đồng , TP phải tìm thêm quỹ đất để thanh toán cho chủ đầu tư.
Giữa lúc này, các địa phương được yêu cầu tạm dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT từ năm 2018, do đó dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng chưa thể triển khai xây dựng.
Chia sẻ với Zing, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt cho biết đã hoàn tất quá trình đàm phán hợp đồng BT với UBND TP.HCM thống nhất lựa chọn quỹ đất hoán đổi với dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Theo đó, ngoài 2 lô đất ở 157 Trần Hưng Đạo và 3-3Bis Phan Văn Đạt, TP cũng có chủ trương thanh toán bổ sung bằng 2 quỹ đất khác trên địa bàn.
Theo cập nhật mới nhất, UBND TP đã có công văn yêu cầu Ban chỉ đạo 167 rà soát lại báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường về 4 quỹ đất trong tháng 7, từ cơ sở đó Sở TNMT sẽ soạn thảo văn bản cho UBND TP trình Thủ tướng phê duyệt.
"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ hoàn thiện những thủ tục pháp lý này là có thể triển khai ngay. Theo hợp đồng BT, dự án phải xây dựng trong vòng 24 tháng, nhưng chỉ cần TP 'bấm nút', chúng tôi dự định hoàn thành trong 18 tháng", ông Vũ nói.
Theo một chuyên gia có nhiều năm theo dõi và hoạt động tại TP.HCM, việc huy động vốn tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng là điều nên làm. Đơn cử tại dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP Thủ Đức, TP.HCM), chủ trương đầu tư đã có từ năm 1994 nhưng sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay nơi đây vẫn là khu đầm lầy được người dân tận dụng nuôi trồng thủy sản.
Lý do là chậm trễ trong công tác giải tỏa mặt bằng với tổng giá trị đền bù thu hồi đất của dân tính đến năm 2018 là 8.000 tỷ đồng. Còn hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM ước tính con số thực tế có thể lên đến hơn 20.000 tỷ đồng.
"Nếu xã hội hóa, các vấn đề về vốn và giải tỏa mặt bằng sẽ không còn đáng lo ngại như vậy. Tuy nhiên, để dự án này có thể xã hội hóa thành công còn cần nhiều điều chỉnh, bởi lẽ khu thể thao không gắn liền với phần dân cư hay thương mại phụ trợ, khiến chủ đầu tư tư nhân khó thu hồi vốn", vị chuyên gia phân tích.
Chính vì vậy, ông cho rằng trong các dự án phục vụ cộng đồng sau này, địa phương cần quan tâm đến vấn đề thu hồi vốn để có thể kêu gọi khu vực tư nhân tham gia đầu tư.
Đồng thời, sau trường hợp của nhà thi đấu Phan Đình Phùng, ông cũng nhấn mạnh Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý, khung kỹ thuật và khung tài chính để đảm bảo công bằng, minh bạch trong xã hội hóa các dự án, đặc biệt theo hình thức BT. Trong đó, tổng vốn đầu tư và giá trị các quỹ đất hoán đổi cần được tính toán chính xác, kĩ càng.
TP.HCM bỏ hoang 190 ha đất làm dự án khu thể thao
Trong bối cảnh nhiều dự án phải "đắp chiếu" hàng năm trời ngay giữa những khu đất vàng của thành phố, một số nhà thi đấu hiện hữu cũng lộ rõ sự xuống cấp trầm trọng.
Ghi nhận của Zing những ngày giữa tháng 7 tại các nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), quận 4, quận Tân Bình cho thấy nhiều thiết bị tập luyện, thi đấu đã hư hỏng nhưng chưa được thay thế. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng cũng bong tróc, gãy đổ hoặc phủ đầy rêu.
Đây là trách nhiệm mà Thành phố cần quan tâm, thực hiện đồng bộ từ khâu chuẩn bị kinh phí đến hoạt động thu hồi đất, hoặc triển khai phương án xã hội hóa để không lãng phí những quỹ đất rộng lớn
GS Đặng Hùng Võ
Mặc dù đây đều là những trung tâm thể dục thể thao quy mô lớn phục vụ nhiều bộ môn, theo người dân xung quanh, ngoại trừ thời gian diễn ra các sự kiện thể thao, giải trí lớn, thì vào những ngày bình thường, kể cả cuối tuần cũng vắng bóng người đến tập luyện.
Theo GS Đặng Hùng Võ, thể thao quần chúng hiện nay còn nhiều môn chưa phát triển, tuy nhiên không thể vì vậy mà không đầu tư xây dựng các trung tâm thể dục thể thao bài bản, chuyên nghiệp.
"Những địa điểm này không chỉ động viên phong trào thể dục thể thao ở người dân, mà còn góp phần đẩy mạnh các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn, đặc biệt mang tầm cỡ quốc tế. Do đó, đây là trách nhiệm mà TP cần quan tâm, thực hiện đồng bộ từ khâu chuẩn bị kinh phí đến hoạt động thu hồi đất, hoặc triển khai phương án xã hội hóa để không lãng phí những quỹ đất rộng lớn", ông nhìn nhận.
Chia sẻ quan điểm này, ông Bùi Quang Anh Vũ cũng cho rằng TP.HCM đang thiếu một nhà thi đấu đạt chuẩn để tổ chức các sự kiện tầm cỡ. Ở góc độ xã hội, người dân cũng cần một không gian công cộng phục vụ cho quá trình tập luyện nhiều môn thể thao. Do đó, tiềm năng khai thác của các dự án nhà thi đấu là hoàn toàn có.
"Là một đơn vị phát triển bất động sản, chúng tôi luôn giữ quan điểm được giao đất là phải làm ngay, không để lãng phí tài nguyên bất cứ ngày nào. Chúng tôi cũng từng có công văn xin làm trước nhà thi đấu Phan Đình Phùng để có công trình cho thành phố, còn quỹ đất hoán đổi có thể tính sau, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc nên chưa thể xây dựng sớm. Hiện tại, cả TP lẫn Phát Đạt đều mong chờ triển khai dự án này", vị tổng giám đốc chia sẻ.
Đến nay, chỉ tính riêng 2 dự án lớn đang chờ xây dựng là Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng và Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc, TP.HCM đang bỏ hoang gần 190 ha đất. Tổng giá trị đầu tư 2 công trình này tính đến năm 2018 là khoảng 17.000 tỷ đồng . Nếu không được triển khai sớm, các dự án sẽ tiếp tục bị đội vốn trong khi đất đai không tạo thêm giá trị gì.