Đó là khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo quốc gia “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam - lần 2”, do Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) và Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng phối hợp tổ chức ngày 10/6.
Rủi ro mới, đa tầng và chồng lấn
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), xung đột tại Ukraine trước mắt làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và lạm phát tăng cao. Tuy nhiên đó mới chỉ là hiệu ứng vòng 1. Cho đến thời điểm hiện tại, không ai có thể dự báo chính xác các diễn biến trong tương lai của xung đột này là như thế nào. Kể cả trong trường hợp hoà bình có thể đến vào ngày mai, thì vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện các hiệu ứng vòng 2, vòng 3, dẫn đến định hình lại trật tự mới của kinh tế và tài chính toàn cầu.
Chuyên gia của UEH đánh giá, các hiệu ứng nhiều tầng này là do chuyển dịch trong thương mại năng lượng, các chuỗi cung ứng được cấu hình lại, mạng lưới thanh toán tiền tệ toàn cầu bị phân mảnh, vai trò của các đồng tiền mã hoá trong khu vực tư nhân hay do các NHTW phát hành ngày càng được tăng cường… Nhìn rộng hơn, thương mại toàn cầu được đặt trong một bối cảnh mới bất chấp các quy tắc vốn có của nó, như kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, theo đuổi khả năng tự cung tự cấp trong một số ngành công nghệ quan trọng và áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lên đối thủ…
TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, mặt bằng giá cả tại nhiều quốc gia tăng cao do sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng, trong khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và xung đột Nga-Ukraine. Điều đó buộc các NHTW phải triển khai biện pháp can thiệp mạnh tay hơn. Mặt bằng giá cao được dự báo sẽ kéo dài và lan ra phạm vi toàn cầu do 3 lý do: năng lượng và thực phẩm là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của người dân; các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga sẽ khó chấm dứt trong ngắn hạn; và chính sách zero-Covid kéo dài của Trung Quốc.
Ông Kiên lưu ý cuộc suy thoái kinh tế lần này có điểm khác biệt rất lớn so với các cuộc suy thoái trước đây, thể hiện ở vai trò của Trung Quốc. Nếu như năm 2008, GDP tính theo ngang giá sức mua của Trung Quốc chỉ đóng góp vào 12,1% GDP toàn cầu thì tới năm 2020, tỷ trọng này đã đạt 18,3%, vượt Mỹ (15,8%) trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2020, tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc (26,1%) chiếm tỷ trọng lớn nhất toàn cầu. Chính vì thế việc Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách zero-Covid đã khiến các hoạt động sản xuất và hậu cần trong chuỗi giá trị toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các yếu tố kể trên có mối liên hệ chặt chẽ và cùng tác động tiêu cực tới triển vọng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Vừa qua, các tổ chức quốc tế đã liên tục hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cũng đồng tình khi đưa ra nhận định, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi không đồng đều và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là yếu tố rất quan trọng.
Áp lực lớn đang dồn lên chính sách tiền tệ
Đi sâu phân tích cụ thể vào các rủi ro của nền tài chính – tiền tệ toàn cầu, theo TS. Lực rủi ro lớn nhất là nghĩa vụ trả nợ. Trước hết các NHTM châu Âu chịu rủi ro vỡ nợ từ Nga và Ukraine là tương đối lớn, khoảng 135 tỷ USD tập trung vào 3 chủ nợ lớn nhất là Ý, Pháp , Áo. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019-2021, nợ toàn cầu tăng rất nhanh vì lãi suất thấp trong 3 năm này đã thúc đẩy cả khu vực Chính phủ, hộ gia đình, DN đều tăng vay nợ. Một số quốc gia như Srilanka đã tuyên bố vỡ nợ vào tháng 4/2022 và 70 quốc gia nằm trong nhóm thu nhập thấp, trung bình, đang phát triển rơi vào nhóm nguy hiểm nợ.
Bên cạnh đó, hiện các NHTW trên thế giới đều trong thế tiến thoái lưỡng nan khi phải đảm bảo hai mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và giữ ổn định, kiềm chế lạm phát. “Có thể nói NHNN cũng đối diện với những khó khăn tương tự, thậm chí còn khó hơn vì phải theo đuổi đa mục tiêu”, ông Lực bổ sung.
Do sự mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, nên các tác động của tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là rất lớn. Ông Lực phân tích, quy mô thị trường tài chính nước ta ở mức trung bình, cấu trúc vẫn thiên lệch về phía hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, áp lực nợ và nghĩa vụ trả nợ ở cả phía Chính phủ và DN đều gia tăng. Trên thị trường chứng khoán, rủi ro đến từ hiện tượng 4Đ (Điều chỉnh; Đầu cơ; Đòn bẩy; Đám đông) thể hiện tính minh bạch chưa cao, chất lượng DN, nhà đầu tư còn thấp, một số vi phạm trên TTCK ảnh hưởng đến niềm tin thị trường, tăng rủi ro hệ thống…
“Trong lúc các cấu phần khác của thị trường vốn đối diện nhiều rủi ro như vậy, thì áp lực lạm phát gia tăng càng khiến NHNN ở thế khó, thậm chí là cực khó. Các NHTM được yêu cầu phấn đấu giảm lãi suất để phục hồi kinh tế, nhưng thực sự rất khó để giảm được”, ông Lực phân trần.
Đồng quan điểm, TS. Hồ Quốc Tuấn - Đại học Bristol, Vương quốc Anh cũng phân tích thêm rằng thế lưỡng nan trong điều hành CSTT không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Ngay trong nội bộ nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới là Mỹ hiện cũng đang có hai quan điểm trái ngược nhau. Nếu như Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho rằng, FED cần tăng lãi suất lên 4-5% để chống lạm phát; thì Nhà kinh tế học đạt giải Nobel Joseph Stiglitz lại lo ngại, việc tăng lãi suất quá mạnh sẽ giết chết nền kinh tế và như vậy cũng không giải quyết được vấn đề lạm phát.
Chia sẻ với những khó khăn hiện nay, TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam đang phải giải quyết một phương trình nhưng có tới bốn ẩn số khi chúng ta phải kiên trì 4 mục tiêu: tăng trưởng GDP; kiểm soát lạm phát; giảm thất nghiệp; xuất khẩu ròng. Trong bối cảnh hiện tại, ông Lịch khuyến nghị, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ mọi trở ngại để nền kinh tế hấp thụ được vốn, nếu không thì mọi giải pháp hỗ trợ khác đều là vô nghĩa. “Lạm phát là thuế vô hình đánh vào toàn dân, tác động rất xấu, nhưng sẽ xấu hơn cho đất nước nếu trì trệ, thất nghiệp gia tăng”, ông Lịch chốt lại.