Với tiêu đề "Nghiêm cấm quấy rối tại nơi làm việc", điều 76-2 của Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động có hiệu lực từ tháng 7/2019 nghiêm cấm người sử dụng lao động hoặc người lao động lợi dụng chức vụ cấp trên tại nơi làm việc để gây đau khổ về thể chất hoặc tinh thần cho nhân viên.
Tuy nhiên, điều này dẫn đến các trường hợp được gọi là "gapjil ngược", trong đó nhân viên lợi dụng luật lao động để "lạm dụng" cấp trên của họ. Gapjil có nghĩa là "lạm dụng quyền lực", một vấn đề xã hội được thảo luận nhiều ở Hàn Quốc, theo Korea JoongAng Daily.
Các trường hợp phổ biến được báo cáo bao gồm gửi đơn khiếu nại đến bộ phận kiểm toán hoặc nhân sự của công ty; đăng các cáo buộc chống lại một cá nhân trên diễn đàn trực tuyến ẩn danh; và gửi thư cho trụ sở chính ở nước ngoài nếu là công ty đa quốc gia.
Các video hướng dẫn người xem cách báo cáo hành vi quấy rối tại nơi làm việc rất phổ biến trên YouTube. Nhận trợ cấp thất nghiệp cũng dễ dàng hơn nếu quấy rối tại nơi làm việc là lý do nghỉ việc.
Giám đốc điều hành giấu tên của một công ty sinh học gần đây đã nhận được cuộc gọi từ bộ phận nhân sự. Anh đã bị một trưởng nhóm báo cáo về gapjil vì "xúc tiến mọi người làm việc". Trưởng nhóm tuyên bố rằng mình cảm thấy bị xúc phạm.
Một người quản lý khác trong công ty bán lẻ cũng cho biết đã nhận được cảnh báo từ công ty sau khi nói với một nhân viên tránh thường xuyên nghỉ làm buổi chiều mà không báo trước.
Một nhân viên nhân sự cũng thường thấy mình bị kéo vào các cuộc tranh chấp vì "một số người nộp đơn khiếu nại riêng đối với phòng nhân sự vì đã thông báo cho họ về hành động kỷ luật có thể xảy ra", một giám đốc nhân sự cho biết.
Kim Seong-joon, luật sư lao động tại Công ty Luật Lao động U&, cho biết: "Không có nhiều trường hợp gapjil ngược vào năm 2021, nhưng chúng tôi đã nhận được nhiều gần 3 lần báo cáo vào năm ngoái".
Quấy rối tại nơi làm việc vẫn là một vấn đề đối với người lao động ở Hàn Quốc. Trong số 1.000 công nhân được tổ chức dân sự Gabjil 119 khảo sát từ ngày 3/3 đến ngày 10/3, 29,1% cho biết họ đã bị quấy rối tại nơi làm việc vào năm ngoái.
Con số đó là 28,9% vào năm 2021, 36% vào năm 2020 và 44,5% vào năm 2019.
Nhưng vì luật lao động chỉ áp dụng cho các công ty có từ 5 công nhân trở lên nên luật này không bảo vệ khoảng 4 triệu công nhân làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Kim Tae-yun, giáo sư quản lý công tại Đại học Hanyang, cho biết: "Thế hệ cũ cần thể hiện sự hy sinh, tự sửa sai và lòng can đảm ở mức độ chưa từng có để khiến những người trẻ thay đổi quan điểm, ổn định với tư cách là các cá nhân đáng tự hào".