Các Giám đốc điều hành tại những công ty như Amazon, Microsoft, Salesforce và Meta đã đặt công ty của họ vào thế khó, đầu tư vào các dự án kinh doanh thua lỗ cũng như thực hiện hàng loạt các hướng đi sai lầm.
Giờ đây, các nhân viên công nghệ đang phải gánh chịu hậu quả từ những quyết định này, trong khi những người có quyền lực lớn nhất lại gần như chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm.
CEO mắc sai lầm, nhân viên gánh chịu
Khi giải thích lý do sa thải 12.000 nhân viên, Sundar Pichai - Giám đốc Điều hành công ty mẹ của Google, Alphabet - cho biết đội ngũ quản trị đã quyết định cắt giảm việc làm sau khi "xem xét nghiêm ngặt" cấu trúc và tổ chức nội bộ của Google. Ông sau đó lập luận rằng việc sa thải là cần thiết để tiếp tục duy trì công ty.
Tuy nhiên, ông đã không đề cập đến việc trong thời gian nắm quyền lãnh đạo, Google đã bị phạt hàng tỷ USD, bị ChatGPT của OpenAI vượt mặt cũng như việc công cụ tìm kiếm của Google hoạt động ngày càng tệ.
Theo ông Ed Zitron, Giám đốc Điều hành của EZPR, một công ty truyền thông về kinh doanh và công nghệ, bất kỳ Giám đốc điều hành nào tham gia vào việc ra quyết định dẫn đến hàng trăm hoặc hàng nghìn người mất việc nên là người đầu tiên bị sa thải.
“Pichai và các CEO công nghệ khác đáng lẽ không nên kiếm được 280 triệu USD, hay thậm chí một triệu USD một năm. Họ nên bị sa thải vì trình độ quản lý kém cỏi”, ông Zitron nhận xét.
Trong các thông báo sa thải, hầu hết công ty công nghệ đều đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế. Tại Amazon, việc cắt giảm nhân sự được cho là cần thiết vì "những khó khăn trong chuỗi cung ứng, lạm phát và năng suất lao động”.
Giám đốc điều hành Salesforce, ông Marc Benioff, đã lấy "suy thoái kinh tế” làm lý do khiến công ty phải cắt giảm 10% số lượng nhân viên. Workday cũng đã sa thải 3% nhân viên với lý do "môi trường kinh tế toàn cầu đang thách thức các công ty thuộc mọi quy mô".
Các CEO công nghệ nên bị sa thải vì trình độ quản lý kém cỏi
Ed Zitron, Giám đốc điều hành EZPR
Nhưng ông Zitron cho rằng trong nhiều trường hợp, nguồn gốc thực sự của những đợt sa thải hàng loạt này bắt nguồn từ quyết định thiếu suy nghĩ của các giám đốc điều hành.
Đơn cử là CEO Meta, tỷ phú Mark Zuckerberg. Vị này đã đầu tư hàng tỷ USD vào dự án Metaverse, dẫn đến việc phải cắt giảm 11.000 việc làm tại công ty, hay Tobi Lutke tại Shopify, người đã sa thải 1.000 sau khi sự đặt cược vào tương lai của thương mại điện tử.
“Nhiều công ty trong số này đã mắc phải những sai lầm chiến lược nghiêm trọng. Việc cắt giảm nhân công sẽ không khiến cho công ty hoạt động hiệu quả hơn hoặc cải thiện sản phẩm của họ”, ông Zitron nhận xét.
Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ hàng đầu này vẫn đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ, khiến việc những CEO lấy lý do khủng hoảng kinh tế nhằm sa thải nhân viên là không thuyết phục.
Cụ thể, lợi nhuận của Microsoft đã giảm 12% trong quý cuối cùng của năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, nhưng hãng vẫn thu về con số khổng lồ 16,4 tỷ USD. Lợi nhuận của Amazon cũng giảm 2,8 tỷ USD trong quý gần đây nhất.
Con số này tuy thấp hơn đỉnh điểm hoạt động mua sắm trực tuyến trong đại dịch, nó phù hợp với mức lợi nhuận trung bình trong lịch sử của Amazon. Tuy vậy, công ty vẫn sa thải hơn 18.000 nhân viên.
Hậu quả của sa thải hàng loạt
Dường như khi lợi nhuận của một công ty giảm đi, trách nhiệm này không hề rơi vào vai các Giám đốc điều hành mà bị đổ trực tiếp lên đầu những người lao động. Đây cách để các CEO trông có vẻ "có trách nhiệm" bất chấp cái giá phải trả của nhân viên.
Mặc dù việc sa thải nhân viên có thể bảo vệ danh tiếng của các Giám đốc điều hành và xoa dịu các nhà đầu tư, điều này lại gây tổn hại rất lớn cho người lao động. Những người lao động mất việc phải đối mặt với những tổn hại lâu dài về cả vật chất, sức khỏe và tinh thần.
Ngoài ra, việc sa thải cũng gây ảnh hưởng lớn đến các công ty. Theo nghiên cứu của bà Melissa De Witte, Phó Giám đốc khoa Truyền thông Khoa học Xã hội tại Đại học Stanford, việc sa thải nhân công có nhiều tác động tiêu cực đến năng suất lao động, ngăn cản sự đổi mới và dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận dài hạn.
Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard cũng cho thấy rằng việc sa thải khiến công việc của những nhân viên ở lại trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi nhiều công ty trong số này cắt giảm phúc lợi và các dịch vụ khác của người lao động còn lại.
Bởi vậy, với những mặt trái của việc sa thải nhân viên và doanh nghiệp, ưu tiên hàng đầu của CEO là tránh chúng bằng mọi giá.
Một số công ty đã làm được điều này. Apple đã cắt giảm chi phí mà không sa thải nhân viên bằng cách giảm 40% lương của CEO Tim Cook, xuống còn 49 triệu USD. Tương tự, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Intel cũng đã tự cắt 25% lương và giảm 15% lương của đội ngũ điều hành của mình để tránh việc sa thải hàng loạt.
Theo ông Zitron, đối với các công ty chọn cắt giảm việc làm, lỗi hoàn toàn ở các CEO của họ. Với tư cách là người chịu trách nhiệm lớn nhất, họ phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá sai nền kinh tế vĩ mô hay thực hiện những khoản đầu tư tồi tệ.
“Mặc dù bị giảm lương, không ai trong số họ phải đối mặt với hậu quả thực sự. Bằng cách đổ lỗi cho suy thoái kinh tế thay vì thừa nhận quản lý điều hành yếu kém, các CEO có thể bảo vệ danh tiếng của mình trong khi tránh bị đổ lỗi”, chuyên gia cho biết.
Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng nhiều
Việc trốn tránh trách nhiệm của CEO công nghệ không phải là chưa từng có. Thậm chí điều này đã từng xảy ra nhiều lần. Các công ty ở Mỹ đang có xu hướng đề cao cũng như thiên vị CEO hơn với các nhân viên bình thường.
Theo ông Zitron, Giám đốc điều hành ngày nay đang không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Họ hầu như không phải nhận hậu quả từ hành động của mình, ngay cả khi họ đang làm việc kém hiệu quả.
“Nếu bất kỳ nhân viên bình thường nào đưa ra một loạt quyết định dẫn đến lợi nhuận công ty giảm, họ sẽ ngay lập tức bị đe dọa chấm dứt hợp đồng. Thay vào đó, các CEO công nghệ lại đổ lỗi cho những người lao động”, Giám đốc điều hành EZPR cho biết.
Và trong khi nhiều nhân viên trong lĩnh vực công nghệ và những nơi khác đã nhận được các gói trợ cấp thôi việc hào phóng, thì chúng vẫn nhạt nhòa so với các khoản thanh toán mà các CEO nhận được.
Nếu các CEO được trả tiền để đứng đầu một tổ chức, thì họ cũng phải trả một cái giá tương xứng khi mắc sai lầm
Ed Zitron, Giám đốc điều hành EZPR
Hồi tháng 5/2020, công ty cho thuê ô tô Hertz đã sa thải 10.000 nhân viên khi đừng trước nguy cơ phá sản, đồng thời trả cho các Giám đốc điều hành 16 triệu USD tiền thưởng.
“Nếu các CEO được trả tiền để đứng đầu một tổ chức, thì họ nên được kỳ vọng sẽ chịu gánh nặng đó và phải trả một cái giá tương xứng khi mắc sai lầm. Giám đốc điều hành phải chịu trách nhiệm như những người mà họ tuyển dụng”, ông Zitron nhận xét.
Theo ông, nếu các công ty không muốn sa thải các giám đốc điều hành hàng đầu, họ cần đổi mới công việc của CEO hiện đại. Những Giám đốc điều hành hàng đầu này nên tập trung vào việc quản lý và điều hành thực tế để phát triển công ty của họ một cách bền vững.
“Không có lý do gì mà thành viên được đối xử tốt nhất và được trả lương cao nhất của một tổ chức lại ít bị soi mói hơn, trừ khi công ty không thực sự quan tâm đến việc điều hành hiệu quả”, ông tiếp tục.
Thay vì tập trung vào các mối quan hệ nhà đầu tư ngắn hạn và sự khen ngợi của công chúng, các CEO nên dành thời gian để quản lý công ty của họ và giúp cải thiện các sản phẩm họ tạo ra.