Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục 1.940 tỷ USD trong năm nay, cao hơn khoảng 128,6 tỷ USD so với những dự đoán vào tháng 6. Nguyên nhân đến từ chi phí sản xuất tăng cao và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Nhiều quốc gia nghèo, dễ bị tổn thương về kinh tế đang phải trả nhiều tiền hơn trong khi nhận được ít lương thực hơn, cơ quan có trụ sở tại Rome này đưa cảnh báo.
FAO chia sẻ: “Đây là dấu hiệu đáng báo động từ góc độ an ninh lương thực. Các nhà nhập khẩu đang gặp khó khăn trong việc duy trì khi chi phí gia tăng”.
Chi tiêu cho nhập khẩu thực phẩm tiếp tục tăng ngay cả khi chỉ số giá thực phẩm của FAO giảm trong bảy tháng liên tiếp, phản ánh sự sụt giảm của giá hàng hóa.
Hóa đơn nhập khẩu thực phẩm của FAO bao gồm một loạt các mặt hàng từ trái cây, rau quả đến hải sản, ca cao, trà và gia vị, cũng như đồ uống và các mặt hàng chủ lực như ngũ cốc và thịt.
Chi phí nhập khẩu thực phẩm sẽ tăng 10%, vượt mức cao nhất của năm ngoái khoảng 180 tỷ USD, do nhu cầu gia tăng đến từ các nước có thu nhập từ trung bình đến cao.
Tổng hóa đơn nhập khẩu thực phẩm của nhóm các nước có thu nhập thấp dự kiến sẽ không thay đổi nhiều mặc dù các lô hàng dự kiến sẽ giảm 10%. FAO nhận định điều này cho thấy vấn đề không thể tiếp cận thực phẩm đang ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, hóa đơn nhập khẩu toàn cầu đối với các nguyên liệu đầu vào nông nghiệp như phân bón, nhiên liệu và hạt giống dự kiến sẽ tăng 48%, lên mức kỷ lục 424 tỷ USD so với năm 2021.
“Hóa đơn cao hơn cùng với đồng USD mạnh hơn sẽ làm giảm các đơn đặt hàng, đe dọa tới năng suất và an ninh lương thực trong giai đoạn tiếp theo”, FAO cho hay.