Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, quý III/2022, Việt Nam nhập khẩu 191,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Quý III/2022, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất với 37,35 nghìn tấn, trị giá 125,84 triệu USD, tăng 164,9% về lượng và tăng 180,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý III/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt lợn tiếp tục xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu thịt gia cầm, thịt bò, thịt trâu có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý III/2022, Việt Nam nhập khẩu 31,76 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 67,07 triệu USD, giảm 24,4% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian qua, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu phục hồi chậm.
Trong quý III/2022, Brazil, Nga, Đức, Canada và Ba Lan là 5 thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam. Brazil là thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam với 11,79 nghìn tấn, trị giá 25,6 triệu USD, tăng 8% về lượng, nhưng giảm 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới.