Tại vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Cơ quan điều tra cho biết đã kê biên 82% vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (FWD Assurance Vietnam), do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho 5 cá nhân và 2 công ty đứng tên.
Sau khi thông tin này được công bố, một doanh nghiệp có tên gần giống là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Vietnam) đã lên tiếng khẳng định "hoàn toàn độc lập" với công ty trên.
Logo của Công ty TNHH Bảo Hiểm FWD Việt Nam (trái) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (phải) không có nhiều sự khác biệt.
Cụ thể, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam được thành lập vào năm 2016, có trụ sở tại Lầu 11, toà nhà Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.
Trong khi đó, công ty liên quan đến bà Trương Mỹ Lan có trụ sở tại toà nhà Capital Tower, 109 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật của Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam là ông David Tai Wai Wong - Chủ tịch và ông Anantharaman Sridharan - Tổng giám đốc.
Còn chức Chủ tịch kiêm đại diện pháp luật của Bảo hiểm FWD Việt Nam do bà Phùng Thanh Hương nắm giữ từ ngày 4/6 mới đây.
Thực tế, FWD Assurance Vietnam tiền thân là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank-Cardif, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ liên doanh giữa Vietcombank, BNP Paribas Cardif và SeABank thành lập năm 2008. Đến năm 2020, công ty này được chuyển nhượng cho Tập đoàn FWD và đổi tên.
Trước thời điểm tháng 3/2022, cả hai doanh nghiệp FWD Assurance Vietnam và FWD Vietnam đều là những công ty con cùng một mẹ là Tập đoàn Bảo hiểm FWD.
Còn hiện tại, chủ sở hữu của Bảo hiểm FWD Việt Nam đã thuộc về nhóm nhà đầu tư khác, tuy nhiên Bộ Tài chính vẫn chưa ra giấy phép chính thức về sự thay đổi này cho doanh nghiệp.
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Vietnam) lên tiếng để tránh hiểu nhầm có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan.
Xét về hoạt động kinh doanh, năm 2023, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên trước đó trong giai đoạn 2016-2022, công ty này đều chìm trong thua lỗ. Liên tiếp 3 năm từ 2020 đến 2022, Bảo hiểm nhân thọ FWD đều lỗ trên nghìn tỷ, trong đó năm 2022 lỗ kỷ lục 1.684 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, đơn vị này đã lỗ lũy kế đến 6.925 tỷ đồng. Tác nhân gây ra tình trạng thua lỗ chồng chất cho Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam trong những năm qua chính là chi phí vận hành quá cao. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp với chi phí nhân viên chiếm đến 75%.
Yếu tố giúp công ty bảo hiểm này ghi nhận khoản lợi nhuận đầu tiên trong năm 2023 là chi phí bán hàng được tiết giảm hơn một nửa từ 3.814 tỷ đồng trong năm 2022 xuống còn 1.884 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của đơn vị này ở mức 19.562 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này cũng liên tục tăng, đạt 19.102 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
Trong khi đó, công ty liên quan đến bà Trương Mỹ Lan giữ cố định quy mô vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng kể từ khi công bố báo cáo tài chính năm 2012 đến nay.
Năm 2023, doanh nghiệp này báo lãi trước thuế 86,5 tỷ đồng, tăng 63% so với năm trước đó.
Đáng chú ý, dù hoạt động chính là kinh doanh bảo hiểm nhưng mảng này lại có lợi nhuận lép vế hơn so với hoạt động tài chính, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. Trong 3 năm qua (2021-2023), lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm chỉ đạt 40-65 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận tài chính luôn duy trì mức lãi hơn 100 tỷ đồng mỗi năm.
Lợi nhuận ròng của Bảo hiểm FWD Việt Nam vào năm 2020 đạt đỉnh 90 tỷ đồng nhờ lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm cao kỷ lục (91 tỷ đồng) và lợi nhuận từ hoạt động tài chính lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ đồng.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.