Thống kê của 10 công ty bảo hiểm nhân thọ đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lãi trước thuế của các đơn vị này đạt 7.229 tỷ đồng, thấp hơn 65 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, tăng trưởng kết quả kinh doanh đã có sự phân hóa rõ rệt.
Trong đó, Prudential đứng đầu với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.601 tỷ đồng, dù giảm 1.204 tỷ đồng (giảm khoảng 42,91%) so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận từ gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm hơn 5.228 tỷ là nguyên nhân chính kéo giảm kết quả kinh doanh của đơn vị này.
Theo sau Prudential, Dai-ichi Life lãi gần 1.568 tỷ, giảm hơn 63 tỷ so với cùng kỳ năm trước (giảm 3,89%). Sự sụt giảm lợi nhuận của công ty này chủ yếu do lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm hơn 642 tỷ và một số loại chi phí tăng lên.
AIA ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 1.101 tỷ đồng, tăng 176 tỷ (tăng 19,05%) so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, AIA cũng chứng kiến sự sụt giảm trong lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm (giảm 822 tỷ); nhưng nhờ vào được sự bù đắp của lợi nhuận hoạt động tài chính (tăng 567 tỷ) và giảm chi phí bán hàng (hơn 451 tỷ) nên kết quả kinh doanh vẫn giữ vững được đà tăng trưởng.
Tại Hanwha Life do lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính cùng lúc giảm 639 tỷ và 229 tỷ nên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này tăng trưởng âm. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, lãi trước thuế của Hanwha Life chỉ đạt gần 585 tỷ, giảm ~45 tỷ (giảm 7,13%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chubb ghi nhận lãi trước thuế là 581,4 tỷ đồng, giảm 17,4 tỷ đồng (giảm 2,91%) so với 6 tháng đầu năm 2022. Nguyên nhân do lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm khoảng 57,6 tỷ và chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp nhích tăng.
Generali theo sau với lãi trước thuế 449,8 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,07% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do lãi gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm (giảm 364 tỷ).
Trong khi đó, Shinhan Life tiếp tục lỗ. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2023, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này là âm 10,84 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 371 triệu đồng.
Ngược dòng với các doanh nghiệp trên, Cathay Life lại gây chú ý khi lợi nhuận trước thuế đạt gần 979 tỷ đồng, tăng 503 tỷ (tăng 105,94%) so với 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, tăng lợi nhuận lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính (tăng 513 tỷ) là yếu tố chính giúp cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mở rộng.
Tương tự, FWD đã chuyển từ mức lỗ 543 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước sang lãi 718 tỷ. Kết quả này là nhờ vào lãi từ hoạt động tài chính và bảo hiểm tăng lần lượt 146 tỷ và 112 tỷ, đồng thời tiết giảm được hơn 555 tỷ chi phí bán hàng.
Nhìn chung, thu nhập từ hoạt động bảo hiểm giảm sâu là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm nhân thọ không được tích cực. Tuy nhiên nhờ lãi từ hoạt động tài chính tăng lên và nỗ lực tiết giảm chi phí, nên các ảnh hưởng không tốt đã được hạn chế đáng kể.
Trên thực tế, các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, suốt giai đoạn năm 2016 - 2022, chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm luôn tăng trưởng hai con số, với động lực chính là bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giảm gần 2% so cùng kỳ.
Diễn biến này cũng trùng với việc trong 6 tháng đầu năm, ngành bảo hiểm phải đối mặt với nhiều vấn đề như nền kinh tế khó khăn hơn, lòng tin khách hàng đối với dịch vụ tài chính này bị lung lay.
Về triển vọng của ngành trong tương lai, tại diễn đàn “Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam”, do Đại học Văn Lang và Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Điều hành kinh doanh, Bộ phận chuyển đổi và phát triển kênh đại lý công ty TNHH BHNT Chubb Việt Nam cho biết: Giai đoạn vừa qua lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam có sự tăng trưởng nóng và có hiện tượng tư vấn sai, dẫn đến nhiều vụ việc không đáng có và ảnh hưởng toàn ngành. Tuy nhiên, cơ quan quản lý điều hành đã có sự điều chỉnh để cải thiện thị trường. Các công ty bảo hiểm cũng đã có những nỗ lực nâng cao chất lượng nhân sự, dịch vụ. Tỷ lệ người dân có bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam chỉ mới khoảng 11%, vẫn đang thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và định hướng của Chính Phủ. Do đó, tiềm năng để ngành phát triển vẫn còn rất lớn.