Một cuộc khảo sát mới đây của Reuters cho thấy hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản đang xem xét kế hoạch tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của họ để nâng cao giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả hoạt động M&A. Điều này diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp tại xứ sở mặt trời mọc đều đang được khuyến khích cải thiện bộ máy quản trị.
Kết quả khảo sát là dấu hiệu mới nhất về những chiến lược cụ thể mà các công ty ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang tìm cách thực hiện để cải tổ hoạt động kinh doanh và nâng cao giá trị doanh nghiệp của mình.
Được biết, cuộc khảo sát được Nikkei Research thực hiện cho Reuters từ ngày 22/12/2023 đến ngày 12/1/2024, trong đó các công ty phản hồi với điều kiện giấu tên để có thể phát biểu thoải mái hơn.
Trong số 104 công ty tham gia khảo sát, dưới một phần ba cho biết họ đang xem xét việc kết hợp các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình với các công ty khác thông qua mua bán và sáp nhập, hay M&A. Và khoảng một phần tư trong số đó đang xem xét việc bán các hoạt động kinh doanh không cốt lõi.
Một doanh nhân từ lĩnh vực bán buôn cho biết, công ty của họ đang xem xét việc kết hợp với các công ty ở hạ nguồn (quy trình hoàn thiện và phân phối thành phẩm cuối đến tay khách hàng) để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu. Một người khác thì chia sẻ họ đang tìm cách mở rộng quy mô công ty thông qua M&A chủ động.
Các công ty được khảo sát hồi năm ngoái cũng lưu ý thêm rằng họ cảm thấy có nhiều gánh nặng hơn liên quan đến việc niêm yết. Nhật Bản đã chứng kiến sự gia tăng mua thôn tính của hội đồng quản trị (management buyout).
Trong bối cảnh mở rộng, 15% công ty trong cuộc khảo sát mới nhất cho biết họ đang xem xét hoặc đã tăng cổ tức, một số ít hơn cho biết họ đang xem xét việc mua lại hoặc chia tách cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán Tokyo trong thời gian gần đây đã ghi nhận mức cao kỷ lục trong ba thập kỷ nhờ kỳ vọng rằng các công ty sẽ tăng lợi nhuận cho cổ đông thông qua việc hủy bỏ sở hữu chéo, mua lại cổ phiếu và các biện pháp khác.
Với gần một nửa số công ty niêm yết giao dịch dưới giá trị sổ sách, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đang gây áp lực buộc các công ty phải xem xét lại việc sử dụng vốn của họ.
“Nhật Bản đang bước vào một thập kỷ chuyển đổi. Sự thay đổi cơ cấu được thúc đẩy bởi các nhiệm vụ mới từ chính phủ và Sở giao dịch chứng khoán Tokyo sẽ tối ưu hóa việc phân bổ vốn”, nhà phân tích Atul Goyal của hãng đầu tư Jefferies trước đó đã viết trong một báo cáo gửi khách hàng, cho biết Nhật Bản đã sẵn sàng để bước vào “thời kỳ hoàng kim”.
Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 1/2024, Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng thu nhập hộ gia đình từ đầu tư, mở rộng trợ cấp đầu tư miễn thuế thông qua chương trình Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon (gọi tắt là NISA).
Tham khảo CNBC, Reuters