Tổng cục Thuế cho biết dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 Quốc hội, Chính phủ đã giao cho cơ quan thuế là 1.373.244 tỷ đồng. Trong đó, thu dầu thô là 42.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.331.244 tỷ đồng.
Chấp nhận hụt thu để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế
Trong khi đó, nguồn thu nội địa năm 2023 còn nhiều biến động do kinh tế Việt Nam chịu nhiều sức ép từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế cho rằng dòng tiền tạm thời nhàn rỗi trong giai đoạn nền kinh tế ngưng trệ do dịch bệnh Covid-19 tìm đến kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đã mang lại nguồn thu ngay cho ngân sách nhà nước giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Đến nay, "gói chính sách tiền tệ và các giải pháp lành mạnh hóa thị trường của Ngân hàng Nhà nước dự báo sẽ hướng dòng tiền vào các kênh đầu tư thực chất, tạo ra giá trị tăng thêm cho xã hội nhưng sự chuyển hướng này cần nhiều thời gian hơn để quay vòng tạo ra lợi nhuận và nguồn thu cho ngân sách nhà nước", Tổng cục Thuế đánh giá.
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cho biết hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu.
Tuy nhiên những chính sách này trước mắt tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023.
Chia sẻ trong diễn đàn mới đây về các chính sách miễn, giảm thuế ban hành trong năm 2023, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính hé lộ một số giải pháp, chính sách tài khoá sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay.
Thứ nhất, Bộ Tài chính đã trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH ngày 30/12/2022 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn.
Về cơ bản, tất cả các mặt hàng đều được giảm 50% so với mức thuế thông thường, riêng mặt hàng dầu hỏa được giảm khoảng 40%. Tức là mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu dao động từ 1.000 - 2.000 đồng, cao nhất là xăng áp mức 2.000 đồng/lít, phổ biến các mặt hàng áp thuế suất 1.000 đồng, riêng dầu hỏa 600 đồng/kg.
Thứ hai, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, mang tính kế thừa năm 2022.
Lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, cho biết năm 2022, tổng tiền thuế gia hạn trong năm khoảng 106.000 tỷ đồng nhưng dự kiến trong năm 2023, con số này có khả năng cao hơn, tức vào khoảng 115.000 - 130.000 tỷ đồng.
"Với số tiền gia hạn này, ngân sách nhà nước không mất đi bởi gia hạn đầu năm, sau đó, đến hết kỳ gia hạn sẽ thu hồi. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp sẽ đem lại một lợi ích rất lớn, bởi đây giống như một khoản tín dụng của Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thay vì doanh nghiệp đi vay ngân hàng thì với số tiền thuế được gia hạn này, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để tăng vốn lưu động, tăng vốn kinh doanh với lãi suất là 0%", ông Tân phân tích.
Thứ ba, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền miễn giảm tiền thuê đất, trên tinh thần các chính sách thực hiện trước đây.
Theo đó, sẽ tiếp tục miễn giảm tiền thuê đất cho các đối tượng được Nhà nước trực tiếp cho thuê đất theo phương thức nộp tiền hàng tháng, mức giảm khoảng 30%, tương ứng khoảng 1.000-1.100 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, kiến nghị nghiên cứu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng theo đề xuất của nhiều đơn vị cần cân nhắc kỹ lưỡng.
"Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 43 về giảm 2% thuế suất với các sản phẩm, dịch vụ chịu thuế suất 10%, thực sự có nhiều vướng mắc và những lúng túng nhất định", ông Tân nêu rõ.
Theo đó, hiện tại có 2 mức thuế suất 10% và 5%, nhiều ý kiến thắc mắc vậy tại sao mặt hàng có thuế suất 5% lại không được giảm sẽ gây thiệt thòi.
Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng cũng sẽ thay đổi, bởi nếu trong năm 2022 tập trung vào ứng phó với đại dịch và khoanh vùng hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch thì bây giờ cả nền kinh tế gặp khó khăn, không thể phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, nếu áp dụng đồng loạt thì quá trình triển khai sẽ phức tạp hơn và thực sự tác động rất lớn đến ngân sách nhà nước bởi thay vì chỉ hỗ trợ một số đối tượng nhất định lại áp dụng cho cả nền kinh tế và áp dụng cho cả hai loại thuế suất, chắc chắn con số giảm thu đối với ngân sách nhà nước không hề nhỏ. Do đó, chính sách này sẽ phải cân nhắc kỹ càng.
18/19 khoản thu vượt xa dự toán
Với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nuôi dưỡng nguồn thu và quản lý thu ngân sách hiệu quả năm 2022 đã đem lại cho ngành thuế những kết quả ấn tượng.
Tổng cục Thuế cho hay năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.515.410 tỷ đồng, đạt 129% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, thu từ dầu thô đột biến đạt 78.030 tỷ đồng, bằng 276,7% so với dự toán, bằng 174,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thu nội địa đạt 1.437.379 tỷ đồng, vượt 25,3% dự toán pháp lệnh, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Cũng theo Tổng cục Thuế, so với dự toán, có tới 18/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành, chỉ riêng 1/19 khoản thu không hoàn thành là thuế bảo vệ môi trường đạt 72,5%.
Điểm danh một số khoản thu lớn vượt dự toán được giao, Tổng cục Thuế nêu rõ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 174%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước đạt 165,2%; thu tiền sử dụng đất đạt 154%.
Cùng với đó, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 114,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 117,8%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 121,8%; thuế thu nhập cá nhân đạt 138,7%; thu lệ phí trước bạ đạt 143,9%; thu phí - lệ phí đạt 114,1%; thu từ hoạt động xổ số đạt 118,3% ...
Còn so với cùng kỳ năm 2021, cũng có tới 15/19 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng khá như khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 7,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,6%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 6,2%; thuế thu nhập cá nhân tăng 28,3%; lệ phí trước bạ ước tăng 24,9%; phí – lệ phí tăng 17,8%.
Bên cạnh đó, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tăng 58,4%; thu tiền cho thuế đất, thuê mặt nước tăng 1,7%; thu tiền sử dụng đất tăng 12,1%; thu tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tăng 17,2%; thu từ hoạt động xổ số tăng 24,5%; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản tăng 5,3%; thu khác ngân sách tăng 34,2% ...
"Còn 4/19 khoản giảm thu so cùng kỳ là thuế bảo vệ môi trường đạt 73,8%; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 88,2%; thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản đạt 99,2%; thu cổ tức lợi nhuận được chia đạt 92,8%",Tổng cục Thuế thông tin.
Với kết quả thu ngân sách nhà nước nêu trên, Tổng cục Thuế cho biết số thu ngân sách trung ương năm 2022 đạt 637.910 tỷ đồng, bằng 124,5% dự toán, bằng 112,4% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 877.500 tỷ đồng, bằng 132,4% dự toán, bằng 112,8% so với cùng kỳ.
Còn phân kết quả thu theo địa bàn, theo Tổng cục Thuế, so với dự toán, có 62/63 địa phương và 63/64 cục thuế đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022. Còn so với cùng kỳ, có tới 45/63 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ.
"Riêng tỉnh Cao Bằng đạt 1.325 tỷ đồng do năm 2022 bị ảnh hưởng giảm lớn do thực hiện chính sách mới và chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không có nguồn bù đắp, tiền sử dụng đất không triển khai được như dự toán nên chỉ đạt 90,5%, không kể tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức và lợi nhuận còn lại, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước thì hoàn thành 101%", Tổng cục Thuế nêu rõ.