Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện kỹ năng nghề của người lao động ngày càng được cải thiện, có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Kỹ năng thấp vẫn là "điểm nghẽn" tăng năng suất lao động
Trong năm 2022, Bộ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất, đáp ứng yêu cầu lao động kỹ năng cho phục hồi, tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thực tế số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.
Trước những thực tế này, nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tiếp tục tập trung đào tạo nhân lực theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu vực kinh tế trọng điểm.
Cùng với đó là thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động bị thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bộ cũng sẽ xây dựng mới chuẩn đầu ra ở các ngành, nghề đặc thù, một số nghề phổ biến trình độ sơ cấp. Triển khai đào tạo thí điểm chương trình đào tạo cho các ngành, nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dự kiến trong năm 2023, sẽ tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 8.000 - 15.000 lao động.
Liên quan đến vấn đề này, hiện nay, Bộ Lao động đang xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó có nhóm chính sách về phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính sách này nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Các nội dung chính sách gồm: Quy định đảm bảo đồng bộ, thống nhất khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường sự tham gia của các bên (nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo) trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động…
Doanh nghiệp và người lao động đều hưởng lợi khi kỹ năng được cải thiện
Từ thực tế tại doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn rất “khát” nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Theo ông Mạc Quốc Anh, Hà Nội hiện có hơn 350.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn nhân lực có tay nghề cao, giỏi về kỹ năng, chuyên môn để tăng năng lực cạnh tranh.
Để nâng cao kỹ năng của người lao động, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, công tác đào tạo, đào tạo lại trong doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, thực tế nhiều người lao động ở các công ty dệt may, da giày trên địa bàn đã được hưởng, và thụ hưởng quyền lợi từ chính sách thông qua đào tạo.
“Thông qua công tác đào tạo, bản thân doanh nghiệp giữ được người lao động, còn người lao động không chỉ nâng cao tay nghề mà chính mức lương của họ cũng tăng lên. Hiện nay, ngoài áp dụng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, các doanh nghiệp cũng có nhiều mức lương theo thỏa thuận. Chúng tôi được biết, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống thang, bảng lương, ngoài việc đảm bảo về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì mức lương của người lao động luôn luôn được cải thiện”, ông Mạc Quốc Anh thông tin.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, thành phố hiện có 9 khu, cụm công nghiệp, trong đó có hơn 600 doanh nghiệp FDI. Với mong muốn tạo thành một chuỗi giá trị cung ứng chất lượng cao cho các doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn thành phố, thì việc có được nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt từ khối trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn là điều các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất thiếu.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, cần tuyên truyền để người lao động nâng cao nhận thức, thấy được tầm quan trọng để chuyển đổi công việc. Việc vận động, ép công nhân học nghề trong khi tâm lý không muốn thì hiệu quả rất thấp.
Theo ông Tiến, cũng cần quan tâm hơn đến cách thức, chất lượng đào tạo của nhiều trung tâm, cơ sở dạy nghề. Bởi nếu đào tạo những nghề không đáp ứng nhu cầu thị trường, vi phạm thời gian đào tạo nghề, cắt giảm thời gian thực hành...sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chung.
Trước mắt, với một số ngành, công việc giản đơn, thâm dụng nhiều lao động như: Lắp ráp linh kiện điện tử, may dây chuyền, chế biến thủy sản...có thể tập trung vào đào tạo tại doanh nghiệp hơn là trong các cơ sở dạy nghề nhà nước. Tuy nhiên, với những vị trí như kỹ sư, công nhân kỹ thuật thì phải được đào tạo ở trường lớp bài bản.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức công đoàn đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 37.000 người lao động có tay nghề. Việc tổ chức dạy nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho đoàn viên và người lao động đã có đóng góp tích cực vào việc ổn định thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động.