Kế hoạch trên nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp thành phố phù hợp với vị thế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về nhân lực có kỹ năng nghề, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng trong từng giai đoạn.
Chất lượng nguồn nhân lực khó đáp ứng kịp nhu cầu thực tế
Hải Phòng là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng kinh tế động lực, trọng điểm phía Bắc. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2030 đặt ra mục tiêu sẽ lấp đầy 90% diện tích 12 khu công nghiệp. Đồng thời, mở rộng thêm 15 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.400 ha, thu hút vốn FDI đạt từ 12,5 tới 15 tỷ USD.
Tương ứng với quy mô đó, ước tính Hải Phòng cần có số lượng lao động lên tới 300 nghìn người. Trong đó, nhu cầu lao động phổ thông khoảng 50%, công nhân kỹ thuật và người lao động đã qua đào tạo khoảng khoảng 40%, lao động quản lý có trình độ bậc trung bao gồm các thợ bậc cao, cử nhân, cao đẳng nghề, kỹ sư thực hành khoảng 7% còn lại khoảng hơn 3% là lao động có trình độ cao như tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nhân lực của thành phố Hải Phòng đang có xu hướng giảm, chất lượng nguồn nhân lực đứng trước nguy cơ không đáp ứng kịp với nhu cầu thực tế.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016 -2020, tỷ lệ lực lượng lao động so với dân số có xu hướng giảm dần. Cụ thể năm 2016 là 57,45%; năm 2019 là 54,65%; năm 2020 là 52,49%.
Một số nguyên dẫn đến thực trạng trên được chỉ ra như: dân số thành phố đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa; đời sống người dân được nâng lên do đó nhu cầu tìm việc làm để nâng cao thu nhập của lao động ngoài độ tuổi lao động cũng giảm; tỷ suất di cư thuần của Thành phố còn thấp và do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…
Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%
Với thực trạng trên, kế hoạch 233 đưa ra mục tiêu đến năm 2025, phải bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phù hợp với cơ cấu kinh tế của thành phố.
Chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố được nâng cao, trong đó chất lượng đào tạo của một số trường cao đẳng tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 03 tháng trở lên đạt 40%.
Một số ngành, nghề cần ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của thành phố: Logistics, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Cơ khí chế tạo, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm)…
Các chỉ tiêu cụ thể như thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ học viên, học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%.
Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%. Phấn đấu có ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại. Khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Phấn đấu trên địa bàn thành phố có 03 trường chất lượng cao, trong đó có 1 trường cao đẳng thuộc thành phố Hải Phòng đạt trường chất lượng cao; có khoảng 70 lượt nghề trọng điểm, trong đó có 02-03 nghề trọng điểm có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4; có 03-05 ngành, nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho thành phố và đất nước; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 03 tháng trở lên đạt 45%.
Một số ngành, nghề cần ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của thành phố: Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Nghiệp vụ nhà hàng, Khai thác vận tải đường biển…
8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
UBND thành phố Hải Phòng đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung vào những giải pháp mang tính đột phá, gồm: Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị, đổi mới chương trình, phương thức đào tạo và Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề, cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo nghề tại nơi làm việc.
Đẩy mạnh công tác tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức.
Thực hiện công tác chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu phát triển các hoạt động trên môi trường số, đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học. Hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với công nghệ sản xuất của thị trường, của doanh nghiệp, đổi mới chương trình, phương thức đào tạo…
Xây dựng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số.
Tiếp tục xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất-kinh doanh và thị trường lao động theo từng địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy sự hỗ trợ, tài trợ của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp …