Theo đại biểu Trần Quang Minh, cuộc giám sát tối cao thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa qua là một cuộc rà soát tương đối tổng thể, quy mô đối với lĩnh vực công. Đây là một cuộc giám sát khó về mặt lượng hóa, sự lãng phí, giá trị của việc thực hành tiết kiệm.
“Khó khăn là vậy nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy sự lãng phí trong thực tế đối với các công trình, dự án, hoạt động cụ thể, từ việc lớn đến việc nhỏ ở hầu khắp các lĩnh vực được giám sát và kể cả chưa được giám sát. Nhiều đại án trong những năm qua làm cho chúng ta không khỏi giật mình vì thất thoát quá lớn trong khi đất nước còn khó khăn”, ông Minh đánh giá.
Ông Minh cho rằng, việc quy kết có hành vi tham nhũng thì hành vi gây thất thoát, lãng phí còn khó khăn, hạn chế. Ngoài việc liên quan đến tham nhũng thì không loại trừ nhận thức, ý thức, trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra những quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường.
Nổi bật trong đó là những hoạt động đầu tư ra nước ngoài hay hợp tác với nước ngoài kém hiệu quả, thua lỗ như trong thời gian vừa qua. Hay những con số thực sự cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc như: giai đoạn 2016 đến 2021 có nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát lãng phí; hàng chục nghìn hecta đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật và nhiều con số đáng suy ngẫm khác báo cáo giám sát chưa chỉ ra và cũng chưa khẳng định. Trong đó, lĩnh vực đầu tư công được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu.
"Người Việt Nam được cho là thông minh, chăm chỉ, cần cù, trình độ đào tạo chuyên môn ngày một chú trọng nhưng năng suất lao động không cao. Ví dụ điển hình, một trong 15 chỉ tiêu đề ra không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động", đại biểu Trần Quang Minh cho hay.
Theo đại biểu Trần Quang Minh, bên cạnh những lý do khách quan, chắc chắn có yếu tố chủ quan sự lãng phí trong đào tạo, bố trí, phân luồng, sử dụng và quản lý nguồn nhân lực. Trước hết, đối với lĩnh vực công, cần phải có những công cụ thể để đánh giá hiệu quả công việc mang tính định lượng, thay vì thiên về định tính như hiện nay.
Thời gian qua, hầu hết các chủ trương ban đầu đưa ra cơ bản là hợp lý, đúng hướng. Tuy nhiên, khi thực hiện còn mang yếu tố chủ quan và nhiều lý do khác dẫn đến kém hiệu quả, thậm chí để lại hậu quả lâu dài, nhất là lãng phí về tài sản, đầu tư, nguồn lực và niềm tin trong Nhân dân.
Điển hình như việc sử dụng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 là một chính sách nhân văn, mang ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung nhưng khi triển khai thực tế gặp rất nhiều khó khăn, bất cập từ nhiều khâu dẫn đến thua lỗ kéo dài.
"Các ngân hàng thương mại đã tiến hành thanh lý các tàu với giá rất thấp, chỉ bằng 10% giá trị ban đầu, nhiều ngư dân đã trở thành "con nợ" sau vài chuyến biển. Điều đáng nói ở đây là sự lãng phí xảy ra khi chính sách chưa đi tới nơi, nhiều ngư dân bày tỏ sự tiếc nuối. Ở Quảng Bình hiện nay, 69 tàu bị liệt kê vào nợ xấu, trong đó có 33 tàu nằm bờ chờ hư hỏng, bị ngân hàng phong tỏa", ông Minh nhấn mạnh.
Lẽ đó, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, đánh giá tác động của chính sách từ khi ban hành và triển khai. Cụ thể, cần áp dụng rộng rãi các công cụ khảo sát theo nhóm đối tượng để đánh giá nhu cầu và quy trình, thủ tục có khả thi hay không, thời gian cần thiết để hấp thụ chính sách của đối tượng là bao nhiêu.
Mặt khác, nếu thời hạn triển khai chính sách khiêm tốn, quy mô nguồn lực, chính sách chưa đủ bao phủ, trong khi số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều thì lợi ích dễ bị dàn trải, hiệu quả không rõ rệt.
Nếu chính sách không khả thi thì cần dũng cảm không bắt đầu, còn nếu bắt đầu phải triển khai cho tới nơi, tới chốn, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện chính sách, có như thế mới hạn chế được sự lãng phí.