Trao đổi tại phiên tọa đàm cấp cao trong sự kiện Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2022, đại diện Tập đoàn Masan cho biết quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang chiếm 175 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 quy mô đạt 350 tỷ USD, đóng góp 60% GDP.
Doanh nghiệp Việt "cố gồng" trước biến động lớn của thế giới
Trong đó ngành hàng bán lẻ thực phẩm thiết yếu đạt quy mô thị trường 75 tỉ USD. Tuy nhiên đóng góp của bán lẻ hiện đại chỉ đạt 15%, trong khi các nước lân cận ở khu vực đạt 25%-80%.
Đại diện Tập đoàn Masan cho rằng dư địa phát triển thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam là rất lớn. Trong suốt 2 năm qua, doanh nghiệp đã cố gắng để kiểm chế tăng giá trước những tác động của đại dịch và những biến động lớn trong khu vực và thế giới khi mà giá cả một số mặt hàng tăng cao.
Trước những khó khăn đó, nhiều chính sách của Quốc hội và Chính phủ đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp giúp kiềm chế đà tăng giá như về giảm giá xăng đầu hay thuế VAT là động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức lớn đe dọa đến sức bền trong cuộc đua phát triển và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài của nhiều doanh nghiệp trong nước, đại diện Tập đoàn Masan đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ.
8 tháng năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 31,2 tỷ đô la, tăng trưởng tới 20,2 % so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Cũng liên quan đến các chính sách trợ lực cho doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, cần có trọng tâm ưu tiên đối với ngành xuất khẩu khi nguồn lực hạn chế.
Theo ông Lê Tiến Trường, giai đoạn cuối năm 2021 và 8 tháng năm 2022 cho thấy giai đoạn phát triển tốt và tận dụng cơ hội của ngành dệt may, trong đó ảnh hưởng rất quan trọng của các chính sách trong điều tiết vĩ mô.
Theo thống kê, dệt may chỉ có kim ngạch xuất khẩu thứ 4 trong các ngành nhưng thặng dư thương mại của ngành dệt may luôn đứng thứ nhất. Tuy nhiên, đến giờ phút này những dư địa chính sách đã thực hiện sớm, đem lại lợi ích cho ngành dệt may và các ngành xuất khẩu khác thì các quốc gia khác cũng đã áp dụng.
Trong khi đó thị trường thế giới diễn ra một xu thế ngược lại, tức là đột nhiên trở nên “lạnh”. Cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, biểu hiện suy thoái, lạm phát cao. Nếu trong 8 tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng xuất được 3,7 – 3,8 tỷ đôla, dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ xuất được khoảng 3,1 đến 3,2 tỷ đô la.
Doanh nghiệp không vay được tiền để mua nguyên liệu sản xuất
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường kiến nghị cách tiếp cận chính sách mới trong giai đoạn tới để đảm bảo phát triển của ngành sử dụng nhiều lao động. Đó là khi nguồn lực hạn chế cần phải có trọng tâm ưu tiên.
Đối với ngành xuất khẩu phải xuất phát từ hai điểm là thặng dư đem lại xuất siêu cho Việt Nam; khả năng sử dụng lao động và khả năng dẫn đạo để đưa tỷ lệ nội địa cao, tức là phục hồi đơn vị xuất khẩu nhưng kéo theo nhiều đơn vị trong nước khác cũng được phục hồi.
Về chính sách ngắn hạn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, ngành dệt may đang gặp một số khó khăn, đó là việc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, khi nhập khẩu làm hàng gia công được miễn thuế, nhưng nếu mua hàng hóa trong nước vừa phải nộp thuế VAT, vừa phải chuẩn bị thuế nhập khẩu (bao giờ xuất khẩu mới được hoàn).
6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng tốt lên tới 9,3%, vay được vốn, nhưng tháng 7, tháng 8 tăng trưởng tín dụng 0,6%; doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó, không vay được tiền để mua nguyên liệu.
Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường đề nghị giải quyết cả hai hướng: Thứ nhất, đối với việc mua hàng trong nước để làm xuất khẩu, hậu kiểm không cần nộp trước thuế VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa. Thứ hai, đối với những ngành hàng còn có đơn hàng, room tín dụng đối với vay ngắn hạn rất quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì, trong khi hiện nay tất cả các khách hàng trên thế giới đều giãn thời gian trả tiền từ 90 ngày lên 120 đến 150 ngày…
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Hiện đang có khá nhiều nhà thầu, nhà thầu mạnh có cái tâm lý e ngại không muốn nhận các gói đầu tư công. Đây là một tình trạng rất nghịch lý, bởi vì không có nhà nhà thầu, công ty xây dựng nào lại chê công ăn việc làm nhưng vì cơ chế, vì giá, định mức rất khó thực hiện...
Bày tỏ lo lắng, bức xúc về vấn đề giải ngân quá chậm trong đầu tư công, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu kiến nghị, cần sớm có cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng
Theo ông Hiệp, trong 8 tháng đầu năm 2022, chúng ta mới chỉ giải ngân đạt 34%. Như vậy, gần như đây là nghịch lý là tại sao các doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng khá mạnh nhưng giải ngân đầu tư công lại không thể giải ngân nhanh mặc dù tiền có dư. Đây là điều tưởng chừng như vô lý nhưng lại đang tồn tại trong thực tế hiện nay. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét để có giải pháp vướng mắc về thủ tục đầu tư và thanh toán.
Vấn đề thứ hai là hiện nay có thể nói các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang rất khó khăn là đơn giá định mức còn quá lạc hậu, bất cập. Có những cái đơn giá mà chúng ta đưa ra nó chỉ bằng 1/3 so với thực tế thực hiện.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện đang có khá nhiều nhà thầu, nhà thầu mạnh có cái tâm lý e ngại không muốn nhận các gói đầu tư công. Đây là một tình trạng rất nghịch lý, bởi vì không có nhà nhà thầu, công ty xây dựng nào lại chê công ăn việc làm nhưng vì cơ chế, vì giá, định mức rất khó thực hiện. Thay mặt Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét 3 đề xuất:
Thứ nhất, cần điều chỉnh lại các định mức chưa hợp lý so với thiết kế, thi công hiện tại; hướng dẫn, kiểm tra công tố giá cả máy, giá nhân công của các địa phương cách phù hợp sát với mặt bằng giá thị trường và bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng.
Thứ hai là triệt để tinh giản các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục thanh quyết toán, nhất là các phần việc phát sinh bằng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có ghi địa chỉ chịu trách nhiệm trong công tác giải ngân.
Thứ ba, cần sớm có cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong cơ chế hợp đồng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên.