Nhiều người tài xế trong khoảng thời gian tập lái chia sẻ với Zing đang có nhu cầu tìm mua xe "lướt", xe cũ để sử dụng bởi nhiều điểm phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Theo nhóm này, việc cầm lái ôtô cũ trong 1-2 năm đầu tiên khiến họ an tâm hơn. Lái xe cũ giúp các tài xế mới tránh cảm giác "xót" xe khi xảy ra va chạm, tiết kiệm được một khoản chi phí mua xe ban đầu và không lỗ quá nhiều khi bán lại.
Tâm lý xót xe
Hoàng Võ Thu Hiền (23 tuổi, TP.HCM) cho biết cô đang tập lái trên chiếc Toyota Vios đời 2016 được gia đình hỗ trợ. Khi chia sẻ về nhu cầu mua ôtô, nhiều bạn bè và người thân cũng đã khuyên nữ sinh này nên chọn xe cũ để tập lái thời gian đầu.
"Thầy dạy của mình khuyên là nên mua xe cũ để tập lái, đỡ lo hư hại xe mới. Nhiều lần mình nổ máy, nhấn ga mà quên kéo phanh tay, thầy cũng bảo nếu đi như thế này thì vài ngày vào xưởng sửa xe một lần", Thu Hiền tiết lộ.
Thu Hiền cũng cho biết lý do khiến cô an tâm khi sử dụng ôtô cũ vì những xe này thường có ít công nghệ, tính năng hiện đại, giúp các lái mới tập trung khi cầm lái.
Việc thiếu hụt các công nghệ tự động so với xe mới trên thị trường cũng buộc các lái mới phải luyện tập kiểm soát và xử lý khi gặp tình huống trên đường, không bị phụ thuộc vào các tính năng phụ trợ.
Theo Diễm Quỳnh (20 tuổi, TP.HCM), việc mua và lái ôtô cũ trong khoảng thời gian tập lái giúp nữ sinh viên này giảm áp lực hơn so việc lái xe mới. Nỗi lo xước sơn, hỏng xe mới cũng khiến cô chùn chân trước việc sở hữu cho mình một chiếc ôtô mới ở thời điểm hiện tại.
Sau khi hoàn tất việc thi bằng lái ôtô và được bố mẹ ngỏ ý tặng một chiếc xe mới để tiện cho việc di chuyển, Quỳnh vẫn sử dụng chiếc Ford Everest cũ đời 2020.
"Mình chỉ mới tập lái ôtô chưa lâu nên cầm quen xe này rồi thì chạy luôn, lỡ chạy xe mới không quen tay rồi có chuyện gì khó xử lý. Xe mới bây giờ cũng đắt, nếu không may đang chạy mà xảy ra va chạm, trầy xước hay hư xe thì xót lắm", Diễm Quỳnh chia sẻ.
Cô cũng khẳng định sau 1-2 năm đầu khi đã quen tay lái mới tính tới chuyện mua xe mới.
Mức giá thấp giúp những mẫu ôtô cũ trở nên dễ tiếp cận hơn với người dùng, đặc biệt là nhóm tài xế trẻ, khi có nhu cầu tìm mua xe tập lái. Người mua xe trên thị trường thứ cấp có thể sở hữu xe sớm nhờ vào nguồn cung có sẵn và không bị phát sinh thêm lệ phí trước bạ hoặc chi phí đăng kiểm.
Tiềm ẩn nhiều vấn đề
Dù là lựa chọn tiết kiệm về mặt chi phí, mua ôtô cũ cũng đi kèm nhiều vấn đề, từ đó khiến người mua rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”. Lái mới ít kinh nghiệm kiểm tra xe thường rơi vào cạm bẫy mà những dân buôn tạo ra nhằm nâng giá bán.
Trước đó, anh Hoàng Phong (TP.HCM) cũng đã chia sẻ với Zing về sự cố khi tìm mua trúng xe đã được “phù phép”.
Chiếc ôtô hạng B được anh Phong tìm thấy khi dạo quanh các diễn đàn trao đổi xe “lướt”, xe cũ với tình trạng khá mới. Người bán quảng cáo xe chỉ vừa lăn bánh 10.000 km và chưa qua va chạm. Xe được rao bán với mức giá chỉ 500 triệu đồng.
“Sau khi kiểm tra, tôi tình cờ phát hiện chiếc xe đã từng gặp tai nạn làm hư hỏng nghiêm trọng, song đã được phục chế lại”, anh Phong chia sẻ.
Linh kiện của xe cũ cũng thường trải qua thời gian sử dụng dài, dễ xảy ra tình trạng hư hỏng nếu không được kiểm tra và bảo dưỡng cẩn thận. Người mua xe cũ sẽ phải bảo dưỡng tổng thể và chi tiền cho nhiều linh kiện trong xe đã đến hạn phải thay thế.
Theo anh Liếu, chủ một cơ sở sửa chữa xe ôtô ở An Phú (TP Thủ Đức), khi có nhu cầu tìm mua xe trên thị trường thứ cấp, khách hàng cần tìm đến địa chỉ uy tín và đi cùng những người thợ lâu năm để kiểm tra xe cẩn thận. Việc kiểm tra xe đã từng va chạm, tai nạn hay ngập nước sẽ đưa ra được nhận định chính xác về chất lượng của ôtô cũ.
“Ngoài số quãng đường đã chạy (số ODO), muốn biết một chiếc xe cũ còn hoạt động tốt không thì cần dựa thêm vào tình trạng động cơ, lịch sử bảo dưỡng hay thay mới linh kiện. Với những xe khoảng 10 năm tuổi, người mua cần kiểm tra kỹ hộp số, gầm xe để tránh phải mất nhiều chi phí sửa chữa về sau", anh Liếu cho biết thêm.
Thị trường thứ cấp nhộn nhịp
Anh Lê Nguyễn Quốc Dũng (28 tuổi, Đồng Xoài, Bình Phước) vừa mua mẫu xe Hyundai Santa Fe cũ đời 2018 để sử dụng sau khoảng thời gian dài tập lái.
Anh cho biết tuy rất muốn sở hữu dòng xe này ở đời mới tuy nhiên giá xe niêm yết khá cao và tiền phụ kiện, hay còn gọi là tiền "lạc" cũng tăng vọt nên anh đành tìm mua xe cũ để sử dụng.
"Tôi thích ngoại thất và thiết kế của Hyundai Santa Fe. Nhưng khi tìm mua xe mới, giá xe lăn bánh lại cao hơn nhiều so với tôi dự tính. Ngoài ra, đa số người bán đều nói nếu muốn có xe sớm thì tiền 'lạc' cũng gần 150 triệu đồng. Do đó tôi mua xe cũ, vừa tiết kiệm chi phí vừa chạy an tâm, không lo xót xe", anh Dũng chia sẻ.
Đầu tháng 9, nhiều mẫu ôtô vẫn rơi vào tình trạng khan hàng kéo dài, thời gian chờ giao xe dao động 3-6 tháng khiến nhiều người tiêu dùng mất kiên nhẫn. Đặc biệt với những khách hàng đang tập lái xe, nhu cầu được sử dụng ôtô sớm cao hơn khiến nhiều người tìm đến thị trường thứ cấp với mong muốn có xe ngay.
Anh Hải Dương (25 tuổi, TP.HCM) tìm mua mẫu xe Kia Seltos từ tháng 7 để kịp thời có xe chạy khi nhận bằng lái. Thế nhưng khi tham khảo qua nhiều đại lý, Hải Dương được thông báo cần đợi đến tháng 11 mới có xe theo đúng nhu cầu của bản thân.
Do đó anh đành tìm mua dòng xe yêu thích tại thị trường thứ cấp với mong muốn nhận xe sớm, không tốn nhiều thời gian chờ đợi.
Theo ghi nhận của riêng Chợ tốt xe, trước nhu cầu tìm mua xe cũ tăng cao, doanh số xe cũ có ODO dưới 100.000km được bán ra đã tăng đến 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra trong tháng 7, sàn thương mại này cũng ghi nhận lượng quan tâm cao của khách hàng đến các dòng xe sedan cũ dưới 600 triệu đồng.
Cụ thể, Hyundai Accent đời 2018, Kia Morning đời 2018 hay Toyota Vios đời 2017 đều được đa số khách hàng tìm kiếm.
Bên cạnh đó các mẫu xe như Honda City đời 2019, Kia Morning đời 2017, Toyota Vios đời 2018, Hyundai Grand i10 đời 2019 và Mitsubishi Xpander đời 2020 cũng được nhiều người tiêu dùng quan tâm khi có nhu cầu mua xe cũ.
Ngược lại, số lượng rao bán ôtô mới trên nền tảng này ghi nhận giảm khoảng 8,2%.