Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây liên quan đến sự kiện bắt giữ bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ba bị can đồng phạm vì hành vi gian dối liên quan đến việc phát hành và mua bán trái phiếu, Dragon Capital cho biết, các quỹ nội địa của Dragon Capital không có bất kỳ khoản đầu tư nào vào công ty này và các công ty liên quan.
Dragon Capital lưu ý nhà đầu tư có thể sẽ có biến động ngắn hạn trên diện rộng của thị trường do tác động tâm lý.
Cũng theo quỹ này, từ tháng 3/2022, Chính phủ đã thi hành các biện pháp nhằm chấn chỉnh thị trường trái phiếu, tập trung vào việc giải quyết một số vấn đề quan trọng bao gồm giao dịch nội gián, phát hành riêng lẻ và gần đây nhất là bảo vệ các nhà đầu tư. "Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư cuối cùng sẽ hưởng lợi từ chiến dịch thúc đẩy minh bạch, thể chế hóa và tính chuyên nghiệp, để từ đó mở ra một giai đoạn phát triển kế tiếp cho thị trường", Dragon Capital nhấn mạnh.
Tương tự, trong thư gửi mới đây liên quan đến bắt lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, quỹ đầu tư VinaCapital khuyến cáo nhà đầu tư cần giữ bình tĩnh trước các tin đồn thiếu kiểm chứng liên quan đến thị trường. Công ty quản lý quỹ này cũng khẳng định chưa đầu tư vào các trái phiếu do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan phát hành.
Theo VinaCapital, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cam kết bảo vệ đầy đủ quyền lợi cho người gửi tiền và đã chỉ đạo SCB chi trả đầy đủ theo yêu cầu của người gửi tiền. Thực tế cũng minh chứng trong hơn 30 năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo thanh khoản cho người gửi tiền tại tất cả các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam cũng không bị khủng hoảng tài chính và nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng rất cao, được dự báo ở mức 8% trong năm 2022 và 6% đến 7% trong năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao trong khu vực với triển vọng ngắn hạn và dài hạn vượt bậc so với các quốc gia khác. Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam cũng phát triển tốt và vững mạnh hơn rất nhiều so với trước đây với hệ số an toàn vốn cao.
Danh sách các quốc gia nguy cơ rủi ro suy thoái cao không có Việt Nam - Nguồn: The Economist.
Đặc điểm của thị trường chứng khoán là thường xuyên có những biến động khó lường. Những cơ hội tốt nhất để đầu tư dài hạn thường đến vào những thời điểm thị trường biến động mạnh.
"VinaCapital vẫn tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam và cho rằng những biến động hiện tại không ảnh hưởng lâu dài đến tình hình hoạt động của các công ty mà chúng tôi đang đầu tư. Định giá của thị trường chứng khoán nói chung và những công ty trong danh mục đầu tư của quỹ này đang ở mức hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư nên kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn, định kỳ để có được kết quả đầu tư tích cực trong tương lai.", VinaCapital nhấn mạnh.
Ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, đơn vị chủ quản của quỹ Vietnam Holdings khi đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam vẫn đang tăng trưởng ở mức cao - trở lại với xu hướng tăng trưởng GDP từ 6,5 đến 7% trong 30 năm qua. Lạm phát sẽ gia tăng, mức dự báo xấp xỉ 4% nhưng không có khả năng gây ra tình trạng khủng hoảng tài chính.
Ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, đơn vị chủ quản của quỹ Vietnam Holdings.
Cụ thể, theo Craig Martin bước sang cuối năm 2022, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn yếu. Mặc dù rủi ro suy thoái vẫn ít nghiêm trọng hơn ở châu Á so với phương Tây, nhưng một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2023. VNH sẽ theo dõi chặt chẽ các tác động, bao gồm cả các định hướng và hành động chính sách diễn ra như thế nào. Thương mại là chìa khóa quan trọng của nền kinh tế Việt Nam khi thặng dư thương mại hơn 700 triệu USD trong sáu tháng đầu năm 2022.
Suy thoái toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu, sản xuất mà còn ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, về mặt tích cực, kinh tế trong nước vẫn được hưởng lợi nhờ việc gia tăng chi tiêu đầu tư công của Chính phủ. Đầu tư công có tác động cấp số nhân đến tăng trưởng kinh tế bao gồm cả việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, và dẫn đến tăng trưởng phát triển bất động sản và tăng trưởng thương mại hiện đại.
Cũng có những tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi và tăng trưởng của du lịch nội địa ở Việt Nam, với 60 triệu chuyến đi được thực hiện trong nửa đầu năm 2022, cao hơn 40% so với con số trước đại dịch. Vào tháng 5, du khách quốc tế bắt đầu quay trở lại Việt Nam.
"Nhiều thị trường mới nổi và cận biên đang phải đối mặt với thời gian cực kỳ thử thách, chủ yếu là do lạm phát nhập khẩu và gián đoạn chuỗi cung ứng. The Economist đã liệt kê các quốc gia có nguy cơ rủi ro cao nhất và Việt Nam không nằm trong số đó. Việt Nam vẫn đang tăng trưởng ở mức cao - trở lại với xu hướng tăng trưởng GDP từ 6,5 đến 7% trong 30 năm qua. Trong khi lạm phát sẽ gia tăng, mức dự báo xấp xỉ 4% không có khả năng gây ra tình trạng khủng hoảng tài chính", vị này nhấn mạnh.